“Pi thủ” kỳ vọng vào giấc mơ “đổi đời”
Ngày 20/2/2025 đã trở thành một ngày đặc biệt với cộng đồng “đào” Pi khi dự án này chính thức bước vào giai đoạn mở mạng (open mainnet) và xuất hiện trên một số sàn giao dịch như OKX, MEXC, GATE, BITGET, ONUS sau 6 năm phát triển.
Sự kiện này đã “khuấy động” các “Pi thủ” tại Việt Nam, nhiều người tin rằng đồng tiền này có thể đạt mức giá ấn tượng lên tới cả ngàn USD và nhấn mạnh "không nên bán thấp hơn mức này". Một số cộng đồng thậm chí đưa ra khái niệm GCV (Global Consensus Value - giá trị đồng thuận toàn cầu) cho Pi ở mức 314.159 USD.
Thực tế, ngay sau khi niêm yết trên sàn, đồng tiền số được giao dịch theo cặp PI/USDT này liên tục "nhảy múa" trong khoảng 0,7-1,8 USDT, gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng Pi. Trên các hội nhóm mạng xã hội, một số người nhanh chóng bán số Pi tích lũy sau nhiều năm ngay khi nó được niêm yết, trong khi những người khác lại cho rằng "xả hàng" lúc này là quá vội vàng. Một tài khoản có tên N.Đ.M đăng bài viết: "Rất nhiều người đã vứt đi thành quả 5-6 năm của mình chỉ trong vài giây, để xem mai còn Pi để bán không...".
Trước đó, Pi Network từng gây sốt với mô hình khai thác miễn phí thông qua ứng dụng di động, thu hút hàng triệu người tham gia với hy vọng sở hữu một tài sản kỹ thuật số có giá trị trong tương lai. Việc đồng Pi được niêm yết trên một số sàn giao dịch đã khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng giấc mơ đổi đời từ Pi đã trở thành hiện thực.
Anh M.T, một trong những người tham gia khai thác Pi từ những ngày đầu, chia sẻ: "Tôi đã dành hơn ba năm khai thác Pi với hy vọng một ngày nào đó nó có giá trị. Việc lên sàn là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn quá nhiều hoài nghi về tính thanh khoản và giá trị thực sự của đồng Pi".
Không ít nhà đầu tư lâu năm như anh T hy vọng một ngày nó có thể được giao dịch hợp pháp và có giá trị thực sự. Nhưng khi đối diện với thị trường đầy biến động, không ít “Pi thủ” hoang mang trước sự mơ hồ của hệ sinh thái Pi tại Việt Nam (bao gồm các sàn giao dịch đồng thuận).
Ẩn hoạ tài chính khó lường
Giữa cơn sốt kỳ vọng, các chuyên gia tài chính cảnh báo rủi ro pháp lý và tính minh bạch của dự án. Hiện nay, giao dịch tiền số chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, khiến việc mua bán Pi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Không ít người lo ngại rằng, đằng sau giấc mơ đổi đời có thể là những ẩn họa tài chính khó lường.
ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam. Ảnh: Phi Long.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam nhận định, Pi Network có những ưu điểm nhất định, nhưng còn nhiều hạn chế, bao gồm việc thiếu thông tin chính thống về đội ngũ phát triển và sự thiếu minh bạch trong mã nguồn. Đặc biệt, mô hình vận hành của dự án này không tuân theo nguyên tắc phi tập trung - yếu tố cốt lõi của một nền tảng blockchain thực thụ.“Một nền tảng blockchain an toàn cần có mức độ phi tập trung cao và đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến mã nguồn và cách quản lý quỹ. Trong khi đó, đội ngũ phát triển của Pi Network đến nay vẫn chưa công bố hợp đồng thông minh (smart contract), đây là vấn đề đáng lo ngại về mức độ tin cậy của dự án”, ông Tuấn cho biết.
Hiện nay, tiền mã hóa hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khuyến cáo người dân về rủi ro khi tham gia đầu tư vào tiền mã hóa, đặc biệt là những dự án chưa có sự minh bạch, rõ ràng. Việc giao dịch Pi trên các sàn quốc tế có thể khiến nhà đầu tư Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất tiền mà không có cơ chế bảo vệ.
Lê Thanh, Phó chủ tịch Chi hội Blockchain TP.HCM.
Cùng quan điểm, ông Lê Thanh, Phó Chủ tịch Chi hội Blockchain TP.HCM cho rằng, người đầu tư hoàn toàn không được bảo vệ bởi pháp luật. Các công ty cũng chưa có hành lang pháp lý cụ thể để đăng ký hoạt động tại Việt Nam, chịu sự quản lý về trách nhiệm lẫn hỗ trợ về chính sách. Vì thế, các cá nhân, tổ chức tham gia nên chủ động việc trau dồi kiến thức, cũng như các sàn giao dịch cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, kịp thời các tài sản số giúp cho nhà đầu tư có cơ sở hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo người dân về rủi ro khi đầu tư vào tiền số Pi Network. Cơ quan chức năng nhấn mạnh, việc dùng tiền ảo, bao gồm Pi, để thanh toán là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt 50-100 triệu đồng theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi thành điểm d khoản 15 Điều 1 tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự.
Đồng tiền số Pi hiện chưa có ứng dụng thực tế, giá trị giao dịch tự định giá, dễ gây hiểu lầm. Một số đối tượng có thể lợi dụng đồng tiền ảo Pi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như tạo ra các đồng tiền ảo giả mạo Pi để huy động vốn nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo ra các ứng dụng giả mạo Pi để thu thập dữ liệu trái phép của người dùng, truy cập bất hợp pháp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tiền ảo trong các giao dịch mua, bán tiền ảo Pi.
Tháng 6/2024, đội ngũ Pi Network đưa ra thông báo có hơn 60 triệu người đã tham gia mạng lưới. Trong thông báo mới nhất, đã có 10,14 triệu lượt di chuyển mainnet, vượt qua mục tiêu ban đầu là 10 triệu.
Theo thống kê của Similarweb, trang minepi (trang web chính của cộng đồng Pi Network) đã có khoảng 7,5 triệu lượt truy cập trong tháng 1/2025. Xét theo nguồn lưu lượng, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 thế giới (chiếm 9,5%) về lượng truy cập vào trang web của Pi Network.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!