Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 01/04/2025 07:39 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Nhiều địa phương kiến nghị, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn vùng miền, bổ sung các khoản giảm trừ như giáo dục, y tế, nhà ở.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua năm 2007, đã trải qua 3 lần sửa đổi. Sau 18 năm, 1 số nội dung trong luật này đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay, đòi hỏi cần phải được sửa đổi một cách toàn diện hơn. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân, để thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Các bên liên quan đã có góp ý để sửa đổi luật theo hướng đảm bảo công bằng, tăng nguồn thu ngân sách và thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đang áp dụng cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không còn phù hợp. Bởi mức này đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, trong khi giá cả hàng hóa đã tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng, thì mức giảm trừ này đã ít nhiều bị lạc hậu.

Theo quy định hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh chỉ được thay đổi khi nào chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động tăng hoặc giảm 20%. Nhưng để chỉ số CPI tăng đủ 20% có khi phải mất nhiều năm. Trong khi giá cả hàng hóa thì tăng hàng năm, mức giảm trừ gia cảnh lại không thay đổi, gây thiệt thòi cho hàng triệu người làm công ăn lương hiện nay. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, có thể đề xuất Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm/lần, thay vì căn cứ vào mức biến động CPI 20% như hiện nay.

Đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ gia cảnh đặc thù

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh 1.

Nhiều địa phương đã kiến nghị, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo hướng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn vùng miền.

Ngoài việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, hiện nay việc áp dụng chung 1 mức giảm trừ gia cảnh cho tất cả vùng miền, thành thị cũng như nông thôn, cũng đang bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp. Nhiều địa phương đã kiến nghị, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo hướng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn vùng miền, và bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù hợp lý như chi phí giáo dục, y tế, nhà ở.

Sống chung với bố mẹ trong căn tập thể cũ 40m2, anh Hưng đang có ý định vay ngân hàng để mua nhà. Anh tính toán nếu vay, mỗi tháng có thể phải bỏ ra hơn chục triệu đồng để trả lãi và gốc. Anh rất mong muốn những chi phí chính đáng này có thể được tính để giảm trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

"Tôi nghĩ nhu cầu nhà ở là nhu cầu chính đáng, mọi người đều có quyền an cư, lạc nghiệp. Do đó nếu chí phí nhà ở là chi phí hợp lý để luật thuế cân nhắc có thể khấu trừ", anh Nguyễn Quang Hưng, quận Đống Đa, TP Hà Nội chia sẻ.

Chị Quế có 2 con nhỏ, với mức giảm trừ là 4,4 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc, khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và giáo dục, y tế cho các con, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Vì có những lần con ốm, chị đã phải chi tiêu cả chục triệu đồng.

"Giảm trừ 4,4 triệu cho 1 người thì không đủ, chỉ đạt được 50% như theo gia đình nhà tôi. Tôi mong muốn đề xuất được tính những chi phí cố định theo chứng từ hóa đơn trước khi tính thuế thu nhập", chị Đỗ Thị Đào Quế, quận Hà Đông, TP Hà Nội cho hay.

Trong văn bản góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), UBND tỉnh Ninh Thuận và Sơn La đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội. Tỉnh Bắc Giang thì đề nghị xem xét quy định mức giảm trừ gia cảnh theo vùng, để phù hợp với mức lương tối thiểu 4 vùng hiện nay.

TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Giảm trừ gia cảnh phải dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng. Đối với các đô thị loại I, đô thị lớn thì việc giảm trừ gia cảnh phải tính toán thêm hệ số. Ví dụ như có ý kiến cho rằng nếu như ở các vùng khác thì mức giảm trừ gia cảnh có thể tăng gấp 1,5 lần, riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải tăng 2 lần so với mức hiện nay".

Trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với các điều kiện mới, để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế.

Quy định về giảm trừ gia cảnh tại các nước

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh 2.

Tại 1 số quốc gia, ngoài việc giảm trừ chung cho người nộp thuế và người phụ thuộc, thì vẫn áp dụng thêm các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù như chi phí y tế, giáo dục, thuê nhà.

Mức giảm trừ gia cảnh luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong xã hội. Tại 1 số quốc gia, ngoài việc giảm trừ chung cho người nộp thuế và người phụ thuộc, thì vẫn áp dụng thêm các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù như chi phí y tế, giáo dục, thuê nhà.

Để giảm gánh nặng thuế cho người dân, Trung Quốc áp dụng nhiều khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân khác nhau. Bên cạnh khoản giảm trừ cơ bản (60.000 nhân dân tệ/năm, tương đương khoảng 214 triệu đồng), người lao động có thể nhận được giảm trừ với các khoản đóng góp an sinh xã hội bắt buộc, các khoản giảm trừ bổ sung đặc biệt dành cho chi phí nuôi dưỡng con nhỏ, chi phí giáo dục, lãi suất thế chấp, chi phí thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi, và chi phí y tế lớn. Biện pháp này nhằm khuyến khích tiêu dùng và phân phối thu nhập công bằng hơn.

Nhật Bản cũng có hệ thống giảm trừ đa dạng. Bên cạnh khoản giảm trừ cơ bản (380.000 yen/năm, tương đương khoảng 65 triệu đồng), chính phủ còn cung cấp các khoản giảm trừ cho vợ/chồng, người phụ thuộc, người khuyết tật, học sinh/sinh viên lao động. Ngoài ra còn có các khoản giảm trừ cho chi phí bảo hiểm nhân thọ, chi phí bảo hiểm động đất và các khoản đóng góp cho chính phủ hoặc quê hương.

Tại Thái Lan, người lao động được hưởng các khoản giảm trừ cá nhân (60.000 baht/năm, tương đương khoảng 45 triệu đồng), giảm trừ cho vợ/chồng nếu không có thu nhập, giảm trừ cho con cái và cha mẹ. Chi phí bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cũng được miễn trừ tối đa 100.000 baht, tương đương 75 triệu đồng. Các khoản giảm trừ khác bao gồm lãi vay mua nhà, đóng góp quỹ an sinh xã hội, học phí cho con và các khoản từ thiện.

Đề xuất giảm số bậc thuế thu nhập cá nhân

Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh 3.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) không chỉ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà các bộ, ngành, địa phương còn đề xuất giảm số bậc thuế và nới rộng khoảng cách giữa các bậc.

Nội dung sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Không chỉ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà các bộ, ngành, địa phương còn đề xuất giảm số bậc thuế và nới rộng khoảng cách giữa các bậc.

Hiện nay biểu thuế thu nhập cá nhân đang có 7 bậc lũy tiến và được đánh thuế suất từ 5 cho tới 35%. Như vậy, biểu thuế quá dày cũng như khoảng cách giữa các bậc quá hẹp. Vì thế nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm số bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc, và giãn khoảng cách các bậc thuế với nhau.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho hay: "Sau khi giảm trừ gia cảnh xong thì đến 5 triệu là chịu thuế 5%, từ 5-10 triệu chịu thuế 10%. Cái biểu thuế nó rất dày, 5-10 rồi 10-18… Nếu chúng ta giãn khung này ra, không phải đến 5 triệu mà đến 10 triệu thì mới nộp 5%, hoặc từ 5-30 triệu mới nộp 10% thì chắc chắn thuế nó giảm".

Biểu thuế lũy tiến từng phần này cũng được duy trì suốt 16 năm nay, kể từ năm 2009 khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực. Khi đó mức lương cơ sở là 650.000 đồng/tháng, còn hiện mức lương cơ sở đã tăng gấp 3,6 lần, lên 2.340.000 đồng/tháng.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế, Học viện Tài chính cho biết: "Từ lúc thông qua luật là 18 năm, còn có hiệu lực thì 16 năm. 16 năm rồi thay đổi của GDP đã quá nhiều. Trước đây là thu nhập rất cao thì nay nó không còn quá cao nữa rồi. Bây giờ chúng ta cần nâng ngưỡng mức thuế suất cao nhất lên. Giảm số lượng mức thuế suất, chỉ để 5 mức thuế suất thôi".

Vợ chồng chị Hằng có thu nhập khá, có tháng đóng thuế tới mức 35%. Thế nhưng, theo chị để có mức thu nhập khá như trên thì vợ chồng chị cũng phải đầu tư rất nhiều cho giáo dục, khi liên tục phải tham gia nhiều lớp đào tạo, cũng như các loại chi phí khác cho công việc.

"Tôi thấy mức 35% nó cao quá, và mong muốn xuống chỉ 25% thôi. Vì để được 35% thì phải mất rất nhiều chi phí mới được mức đó", chị Vũ Thúy Hằng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội chia sẻ.

Góp ý cho biểu thuế lũy tiến từng phần, nhiều địa phương đề nghị giảm thuế suất đối với nhóm đối tượng nộp thuế ở 1-2 bậc thuế đầu tiên, vì thực tế, những người nộp thuế ở bậc thuế 1, 2 có thu nhập chỉ ở mức đủ để trang trải cuộc sống.

Dự kiến, Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, và thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026. Sau đó đợi thông tư, nghị định hướng dẫn, thì có khả năng năm 2027 luật mới có hiệu lực thi hành. Đồng nghĩa với việc hàng triệu người làm công, ăn lương sẽ tiếp tục phải chờ thêm 2 năm nữa. Các chuyên gia và người dân đang mong chờ dự thảo luật này sẽ được đẩy nhanh hơn, khi nhiều nội dung trong quy định hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước