Nếu ngành lâm nghiệp đã có thể bán tín chỉ carbon từ rừng thì với ngành thuỷ sản, tiềm năng này cũng đang được nhận diện ở ngành hàng rong biển khi nó có thể lưu trữ 1.500 tấn khí thải nhà kính trên mỗi km2. Như vậy có thể thấy, đây sẽ là lĩnh vực đa giá trị khi rong biển còn là thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Vấn đề cần nhất hiện nay là tạo ra diện tích đủ lớn trên cơ sở thế mạnh đường bờ biển kéo dài và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn.
Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển, trong đó 90 loài có giá trị kinh tế. Theo các nhà khoa học, tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30 - 60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, do đó có thể hấp thụ khí CO2 nhiều hơn, từ đó tạo ra các bể chứa carbon.
TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, Hội Thủy sản Việt Nam cho biết: "Rong tảo biển có diệp lục, giống như cây nên lúc nào nó sử dụng oxy, lúc nào nó sử dụng carbon để biến thành các hợp chất hữu cơ. Khi mình thu nó vào trước lúc tối, nếu mình chế biến thì nó rất tốt".
Ngành nông nghiệp xác định rong biển là nguyên liệu xanh, kỳ vọng giúp làm sạch biển, bầu khí quyển
Chương trình "Blue Ocean - Blue Foods" - Hành trình xây dựng bể chứa carbon ngành thủy sản vừa ra mắt với sự tham gia của các bên. Mục tiêu là phát triển rong biển quy mô lớn nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường biển và phát triển sinh kế cộng đồng. Từ rong biển hiện các doanh nghiệp còn sản xuất ra cốc nhựa sinh học. Ngoài ra so với các nước như Nhật bản, Hàn Quốc thì rong biển của Việt Nam đang có thế mạnh về dược phẩm.
Bà Nguyễn Thị Sâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Wineco Việt Nam chia sẻ: "Các rong ở Việt Nam có thể tách chiết được nhiều hợp chất dùng cho nha khoa hoặc các hợp chất dùng cho công nghiệp thực phẩm, như trong công nghiệp sữa để tạo ra độ sánh và hoà quyện trong sữa. Hàm lượng tách chiết cao hơn rất nhiều so với các loại rong mà chúng tôi đã thử nghiệm từ Nhật Bản và Hàn Quốc".
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Có những khu vực chúng ta chỉ trồng chuyên rong và khai thác rong nhưng có nhiều khu vực rong kết hợp với thuỷ sản khác đặc biệt là nhuyễn thể và các loại trai ngọc để từ đó, chúng ta phát huy giá trị của nó cao hơn. Khi chúng ta phát triển một diện tích nhất định về rong, chúng ta sẽ đồng hành cùng các tổ chức quốc tế để người trồng rong có thể bán được tín chỉ carbon".
Theo Cục Thủy sản, diện tích trồng rong biển tiềm năng của cực Nam có thể đạt trên dưới 1 triệu ha, tương đương 600.000 – 700.000 tấn rong khô/năm. Có giống rong hấp thu khí CO2 gấp 20 lần so với cây trên bờ. Có giống rong sau khi chiết xuất, phần bã làm thức ăn cho chăn nuôi, giúp tình trạng ợ hơi tạo khí metan của trâu bò giảm rất nhiều. Ngành nông nghiệp xác định rong biển là nguyên liệu xanh, kỳ vọng giúp làm sạch biển, bầu khí quyển và có thể đem lại cho người dân một thu nhập tốt khi chi phí đầu tư không nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!