Thương mại điện tử Việt Nam có “đốt tiền” hiệu quả?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 07/02/2020 06:30 GMT+7

VTV.vn - Việc Leflair hay Adayroi, Lotte.vn đồng loạt rời bỏ thị trường thực sự đã làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của việc đầu tư vào ngành thương mại điện tử hiện nay.

Doanh nghiệp thương mại điện tử Leflair từng gọi được vốn 12 triệu USD vừa bất ngờ tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, với lý do khó khăn tài chính.

Cách đó 1 tháng, 2 trang thương mại điện tử tên tuổi là Adayroi và Lotte.vn cũng đồng loạt rời bỏ thị trường.

Trang thương mại điện tử chuyên đồ hiệu LeFlair chỉ là cái tên mới nhất kéo dài danh sách các doanh nghiệp thương mại điện tử chọn tạm dừng hoặc rời bỏ thị trường Việt Nam trong vòng 1 năm đổ lại đây. Tuy nhiên nếu như trước đó, sự ra đi của những cái tên như: Vuivui.com của Thế giới di động, Robins của Central Group hay Lotte.vn của Tập đoàn Lotte đều có thể dễ dàng lý giải, bởi đây đều là các nền tảng của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống, sự loại bỏ hay tái cơ cấu là rất bình thường. Ngược lại, sự ra đi của Adayroi và tạm dừng hoạt động của Leflair lại mang tính chất khác, bởi đây là 2 doanh nghiệp đi theo các mô hình kinh doanh thương mại còn mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Câu chuyện của Leflair cho thấy các startup tại Việt Nam đã bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư mạo hiểm đang diễn ra trên thế giới. Phân tích của tổ chức iPrice cho thấy, nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc startup tỷ USD WeWork hồi giữa năm 2019 bị phát hiện lỗ nặng và không cho thấy triển vọng đạt lợi nhuận. Sự kiện buộc các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn nhằm tránh gặp phải một WeWork thứ hai. Xu hướng này lập tức gây ảnh hưởng đến giới startup công nghệ châu Á.

Tại Ấn Độ, hai công ty trước đó đang phát triển nhanh là startup gọi xe Ola và startup đặt phòng OYO cắt giảm hàng nghìn nhân sự nhằm giảm lỗ.

Còn ở Indonesia, sàn thương mại điện tử Bukalapak mới đây cũng cho thôi việc 250 nhân viên, để nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững thay vì chỉ tăng trưởng ngắn hạn như trước.

4 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 10.000 tỷ đồng. Ngoài việc đổ tiền cho các chiến dịch marketing rầm rộ ở tất cả các kênh quảng cáo, thì phần đầu tư cho khâu vận hành, xây dựng kho vận, giao hàng cũng được cho là rất tốn kém.

Đổi lại, thị phần của thương mại điện tử trong tổng giao dịch bán lẻ tại Việt Nam đang chiếm từ 4% đến 5%, với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 30%. Con số này có tương xứng với mức độ bạo tay của các doanh nghiệp thương mại điện tử hay không vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Trước khi đi đến quyết định tạm dừng hoạt động, Leflair đã gọi được tổng cộng 12 triệu USD, tương ứng gần 280 tỷ đồng để xây dựng nền tảng. Đổi lại, doanh nghiệp cho biết đã có trong tay nguồn khách hàng lên đến 120.000 người. Doanh thu thuần mỗi năm lên đến hàng chục triệu USD. Nhưng người đứng đầu doanh nghiệp cho biết, như thế không có nghĩa là đã đầu tư hiệu quả.

Giới phân tích cho rằng, trước sự chuyển dịch về khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm, bức tranh "đốt tiền" trong thương mại điện tử Việt có khả năng sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi nhiều trong năm 2020, đặc biệt với những công ty đang dựa vào nguồn vốn huy động để sống.

Doanh nghiệp thương mại điện tử tìm cách ứng phó với nguy cơ thiếu hàng hóa Doanh nghiệp thương mại điện tử tìm cách ứng phó với nguy cơ thiếu hàng hóa

VTV.vn - Các doanh nghiệp đầu ngành thương mại điện tử đang tìm cách ứng phó với nhiều vấn đề phát sinh như tình trạng loạn giá trên sàn, nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trong dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước