Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2022

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 20/10/2021 11:35 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới việc hoàn thành 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Sáng nay (20/10), tại Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV khai mạc theo hình thức trực tuyến. Trong phiên làm việc sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm

Thủ tướng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2021 chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

“Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán (4%GDP). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia…”, Thủ tướng báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. 

“Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi…”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2022 - Ảnh 1.

Thủ tướng báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Về nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. 

Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. 

“Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm 2022

Tiếp tục nội dung báo cáo, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng cho biết, mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2022 - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới việc hoàn thành 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến sẽ có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%...

Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Thủ tướng nêu ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là:

- Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

- Ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu...

- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

- Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.

- Gắn kết hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

- Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước