Những kiến thức học được từ ông chủ vườn na Đông Triều, Quảng Ninh, ông Lét đã tận tình hướng dẫn miễn phí cho bà con từng ly từng tý, từ việc đơn giản như dùng xi lanh lấy phấn ở hoa to, thụ phấn cho nhiều bông hoa na khác, hay khó hơn như chọn thời điểm nào, đốn ngọn, tỉa cành, tuốt lá ra sao để hoa nở cả trong mùa Hè và mùa Thu.
Hàng chục hộ nghèo người Nùng ở xã Chi Lăng đã thoát nghèo, có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ học ông Lét cách điều khiển na cho trái vụ. Đáng quý hơn, ông Lét đã cung cấp kinh nghiệm cho Phòng Nông nghiệp soạn tài liệu về sản xuất na trái vụ để tập huấn cho nông dân toàn huyện.
Ông Lét cũng là một trong số nông dân sớm đưa cây na lên núi đá nhiều nhất xã Chi Lăng. 2.000 cây na của ông rải rác, xen kẽ giữa những tảng đá cao. Canh tác và thu hoạch na, vận chuyển na xuống núi vất vả vô cùng, nhưng cách trồng mới mẻ này cũng thành công vì biết áp dụng các cải tiến trong sản xuất trên núi đá.
Rất khoa học, không phải cây nào ông cũng bắt ra trái 2 vụ. Ông chỉ tác động những cây khỏe, những cây năm trước cho một vụ quả, nhằm dưỡng cây lâu dài. Ông điều khiển mỗi cây chỉ ra từ 10 - 15kg quả/vụ để trái to đều. Vì thế, na nhà ông cũng luôn bán cao hơn chợ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cho ông tiền tỷ mỗi năm.
Người nông dân bình thường như ông Mã Văn Lét rất có uy tín với bà con. Không chỉ vì ông giỏi, mà còn vì ông vẫn không tiếc sức mình, tiếp tục giúp nhiều bà con cùng mình xây dựng vùng na trái vụ lớn hơn trên đất Lạng Sơn.
Bảo vệ và phát huy nhãn hiệu na Chi Lăng VTV.vn - Huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, đã thiết kế, cung cấp tem, nhãn, bao bì được bảo hộ cho sản phẩm na an toàn của mình nhằm phát huy nhãn hiệu chứng nhận na Chi Lăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!