Kinh tế Thái Lan sẽ bắt đầu tăng tốc trong quý III/2020. (Ảnh minh họa: Bangkokpost)
BoT cho rằng kinh tế Thái Lan sẽ bắt đầu tăng tốc trong quý III/2020, sau khi chạm đáy trong quý II/2020. Tiêu dùng nội địa đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục vào cuối quý II/2020, được hỗ trợ bởi việc chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Kích thích kinh tế từ phía cung là một yếu tố quan trọng thúc đẩy động lực phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) Veerathai Santiprabhob nói thêm chính sách tài khóa tập trung chủ yếu vào việc tăng cường hỗ trợ việc làm và tài chính giữa các doanh nghiệp sẽ giúp hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng sau khi khủng hoảng kết thúc. Chính phủ và các cơ quan quản lý đã tìm cách đạt được sự cân bằng giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ đà phục hồi và giúp các bên bị ảnh hưởng thông qua việc chuyển tiền mặt và các biện pháp giảm nhẹ nợ nần.
Ông Veerathai nhận định mặc dù cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ, lãi suất cơ bản khó có thể giảm xuống 0% từ mức thấp kỷ lục là 0,5%.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ mất 2 năm để hồi phục hoàn toàn. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Mới đây, BoT đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2020 xuống mức -8,1%, so với mức -5,3% đưa ra trước đó. Tuy nhiên, kinh tế Thái Lan được cho là sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, so với mức dự báo 3% trước đây.
Mặc dù Thái Lan được coi là một nước thành công trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19, hãng tin Bloomberg vẫn cho rằng triển vọng kinh tế của nước này là ảm đạm nhất ở châu Á. Mức sụt giảm kinh tế 8,1% là mức dự báo chính thức tồi tệ nhất đối với bất kỳ nền kinh tế chủ chốt nào ở châu Á và sẽ là mức giảm GPD lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay, hơn cả mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á các đây hai thập kỷ.
Thống đốc BoT Veerathai nhận định cần phải tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với sự phát triển của thị trường lao động trong thời kỳ hậu đại dịch. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoT đã lên tiếng lo ngại về tình trạng thất nghiệp gia tăng do đại dịch COVID-19. Số người không có việc làm dự kiến sẽ tăng lên, với những đối tượng chính bao gồm các sinh viên mới ra trường, người cao tuổi và lao động phổ thông.
Theo ông Veerathai, quá trình đào tạo lại và nâng cao tay nghề là cần thiết để chuẩn bị cho môi trường làm việc mới trong thời kỳ hậu đại dịch. Nhân lực cũng sẽ bị thay thế bởi tự động hóa trong bối cảnh năng lực sản xuất dư thừa. Với kịch bản này, Thái Lan cần tái cơ cấu kinh tế, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ trong thị trường lao động. Tuyển dụng lao động sẽ hỗ trợ tiêu dùng nội địa và hồi phục kinh tế sau khi đại dịch chấm dứt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!