Thị trường thực phẩm người Hồi giáo: Cơ hội nào cho hàng Việt?

Trịnh Huyền-Thứ ba, ngày 01/12/2020 12:31 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu về thực phẩm Halal tăng mạnh là cơ hội lớn để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Thực phẩm Halal gồm đầy đủ các loại như nước sốt, chè, cà phê và những đồ ăn khác.... phục vụ nhu cầu của người theo đạo Hồi. Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu về thực phẩm Halal tăng mạnh là cơ hội lớn để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đây là thông tin từ diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam" vừa được Bộ Ngoại Giao và Bộ NN&PTNT kết hợp tổ chức ngày 30/11.

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông -  châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. Không chỉ vì tăng nhanh do mức tăng nhanh chóng của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn ngày càng ưa chuộng các sản phẩm này do đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

"Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tại diễn đàn.

Thị trường thực phẩm người Hồi giáo: Cơ hội nào cho hàng Việt? - Ảnh 1.

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.

Mặc dù rất tiềm năng, nhưng cho đến nay, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường thực phẩm Halal còn hạn chế. Theo đánh giá của trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia Hồi giáo.

"Qua quá trình cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp, chúng tôi thấy số lượng cấp giấy chứng nhận xuất khẩu qua các quốc gia hồi giáo chưa được nhiều. Do chưa tiếp cận thông tin, tiếp cận nhiều với thị trường các quốc gia Hồi giáo", ông Hoàng Bá Nghị, Tổng giám đốc Tổ chức chứng nhận NHO chia sẻ.

Thông qua Diễn đàn lần này, các bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về những nhu cầu và điều kiện xuất khẩu hàng nông, lâm và thủy sản Việt Nam vào các thị trường Hồi giáo và hướng tới việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường tiềm năng này để từ đó các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đề ra những nghiên cứu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của các nước; xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang tham vấn Chính phủ về cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trong cơ cấu thị trường đầu ra, xem xét chú ý hơn đến thị trường thực phẩm Halal khi xuất khẩu. 

Thị trường thực phẩm người Hồi giáo: Cơ hội nào cho hàng Việt? - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định sẽ đề xuất để thành lập 1 nhóm chuyên quan tâm kết nối thị trường này, đồng thời kết nối với Bộ Ngoại Giao, các thương vụ, cơ quan thương mại của Việt Nam và những bộ ngành có liên quan. Từ đó phát triển thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước