Cũng theo Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, dù dệt may sụt giảm mạnh trong quý trước, nhưng vẫn được dự báo phục hồi sớm trong những tháng cuối năm.
Cùng trò chuyện với bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search, để có thêm những phân tích chi tiết.
PV: Theo báo cáo của Navigos, dù giảm sâu nhu cầu tuyển dụng trong quý 3, nhưng nhu cầu này của ngành dệt may sẽ tăng trở lại trong 3 tháng tới, thậm chí là tăng mạnh trong 6 tháng tới. Đâu là nguyên nhân?
* Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Chúng tôi nhận thấy những tín hiệu rất tích cực ở giai đoạn cuối quý III, thậm chí là đầu quý IV. Thứ nhất là có rất nhiều dự án trong ngành dệt họ tìm đến với Việt Nam. Chúng ta cũng biết rằng, thị trường dệt may của Việt Nam cần nhiều vải để cung ứng và từ trước đến giờ chúng ta thường nhập ở các thị trường nước ngoài về. Nhưng khi mà các công ty nước ngoài họ đến Việt Nam để phát triển hàng dệt, cung ứng cho thị trường, có nghĩa là ngành này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nhu cầu này của ngành dệt may sẽ tăng trở lại trong 3 tháng tới. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Dấu hiệu thứ hai mà chúng tôi nhận thấy là có rất nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới họ đang xúc tiến tuyển dụng những vị trí quản lý đơn hàng hoặc quản lý chất lượng sản phẩm. Khi họ cần tuyển những vị trí này có nghĩa là trong thời gian sắp tới, số lượng đơn hàng lớn sẽ đổ về Việt Nam.
Điểm thứ ba là có khá nhiều các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty may gia công, sau khi đóng cửa ở một số thị trường nước ngoài, có thể là thị trường Trung Quốc, Nam Mỹ, họ chuyển dịch hệ thống nhà máy của họ về Việt Nam để tiến hành sản xuất và cung ứng theo yêu cầu của các hãng lớn.
PV: Theo báo cáo, một ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý III và dự báo còn sang quý IV, cũng như đầu năm sau là ngành năng lượng. Đây là một tín hiệu tốt cho các ứng viên, nhưng có vẻ yêu cầu đưa ra cũng không phải là dễ dàng?
Theo dự báo, ngành năng lượng là một trong những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Có hai yêu cầu lớn họ thường đặt ra cho ứng viên. Thứ nhất là về mặt kinh nghiệm, cũng như là chất lượng về mặt kỹ thuật trong mảng này luôn yêu cầu khá cao và khá là đặc thù, không phải là dễ dàng để có thể tìm kiếm được. Thứ hai là yêu cầu về tiếng Anh. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng sẽ có những lợi ích cho các địa phương. Bởi vì bản thân các công ty trong lĩnh vực năng lượng này khi có nhu cầu tuyển dụng, họ cũng sẽ cần phải tuyển dụng một số lượng lớn và họ cũng muốn duy trì lượng nhân lực đó có thể gắn bó với họ trong thời gian dài và họ sẽ mở rộng thêm những nhu cầu cho nhân lực tại địa phương.
PV: 1,3 triệu lao động đã mất việc trong quý II, cao nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, bà nhận định như thế nào về thị trường lao động những tháng cuối năm nay?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Một số ngành vẫn có tín hiệu tiếp tục tăng trưởng, ví dụ như ngành công nghệ thông tin hầu như không bị suy giảm nhiều so với giai đoạn trước đây và thậm chí ngành này vẫn luôn đứng đầu trong danh sách những ngành nghề cần có nhiều nhu cầu về tuyển dụng lao động. Mảng thứ hai cũng không bị ảnh hưởng nhiều là bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ…
Tựu chung lại, chúng ta thấy rằng, mặc dù thị trường đang đi xuống so với cả cùng kỳ năm 2019 và trong suốt năm 2020 cũng đều sụt giảm so với cả năm 2019, nhưng đâu đó vẫn có một số ngành đang có nhu cầu tuyển dụng tương đối tốt.
PV: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn của VTV!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!