Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. (Ảnh minh họa - Báo Đầu tư)
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 như bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, hay giảm thu nhập.
Trong bối cảnh ảm đạm so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu tích cực là lực lượng lao động có việc làm đã tăng thêm 1,4 triệu người so với quý trước, cho thấy dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là đối với khu vực lao động phi chính thức khi có tới 1,2/1,4 lao động tăng trở lại trong quý III, chiếm tới 86%.
Nhu cầu tuyển dụng tăng dần
Công nhân ở nhiều nơi đã lạc quan hơn về số phận của mình khi công ty bắt đầu tuyển thêm người, không luân phiên lao động như trước. Thị trường lao động bắt đầu ấm dần lên. Những tín hiệu khả quan từ việc khống chế dịch bệnh đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường. Nhờ đó, người lao động cũng bớt đi nỗi lo thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Thị trường lao động quý III được dự báo sẽ tốt hơn với lực lượng lao động đạt mức khoảng 55,4 triệu người, tương đương quý I. Việc các doanh nghiệp không cắt giảm nhân lực là tín hiệu tích cực và dù số lượng tuyển dụng không ồ ạt, nhưng sẽ giải quyết một phần lao động thất nghiệp. Ngoài ra, các ngành điện, điện tử sẽ tăng mạnh tuyển dụng vào cuối năm.
Các chuyên gia lao động đề xuất cần có thêm những biện pháp hỗ trợ tạo việc làm trong doanh nghiệp và giữ việc làm người lao động, trong đó phải xây dựng một hệ thống khai báo việc làm nhằm chủ động hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh để giữ việc làm. Trong bối cảnh này, lao động cũng phải chấp nhận giảm thu nhập, nhưng quan trọng nhất là có việc làm và duy trì việc làm ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!