Kết quả quý II/2020 không gây ngạc nhiên cho thị trường, định giá năm 2021 ở mức hấp dẫn
Lợi nhuận sau thuế thực hiện quý II/2020 của 841/1.650 công ty niêm yết (chiếm 95% tổng vốn hóa thị trường) trên cả ba sàn giảm 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các công ty niêm yết trên HSX có có mức sụt giảm 14,7%, riêng nhóm VN30 giảm 7.3%.
Nếu loại nhóm ngân hàng trên HSX và VN30, mức sụt giảm lần lượt là 31,7% và 26,8% so với cùng kỳ trong quý II/2020.
Theo SSI, một số công ty đã có mức lợi nhuận thấp nhất rơi vào quý I hoặc quý II, bao gồm MSN, MWG, SAB, PLX, GAS, VEA, FPT, VTP, AST, ACV, HVN, STK, QNS và VHC. Tuy nhiên, đối với nhóm ngành ngân hàng và các nhóm ngành khác, kịch bản xấu nhất khả năng rơi vào các quý tiếp theo.
Riêng nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách phân tích của SSI (đại diện 88% vốn hóa thị trường), ước tính lợi nhuận năm 2020 sẽ giảm 20,3%, đảo chiều với mức tăng trưởng 18,8% trong năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng dương 25,3% sẽ quay trở lại trong năm 2021 từ cơ sở so sánh thấp 2020. Do đó, TTCK Việt Nam đang giao dịch với hệ số P/E 2020 và 2021 lần lượt là 15,2 lần và 12,1 lần.
Ước tính lợi nhuận năm 2020 sẽ giảm 20,3%, đảo chiều với mức tăng trưởng 18,8% trong năm 2019.
Thị trường chịu tác động bởi các nhân tố trái chiều
Theo kịch bản cơ sở, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021 trên toàn thế giới, không có thêm đợt giãn cách toàn xã hội nào ở Việt Nam và các chuyến bay quốc tế sẽ hoạt động trở lại. Hoạt động kinh doanh và du lịch sẽ quay về mức thông thường từ 6 tháng cuối năm 2021.
Trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2020, diễn biến của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô và triển vọng doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và tốc độ phát triển kinh tế trong tương lai qua đó tác động tiêu cực lên TTCK.
Tuy nhiên, thanh khoản dồi dào ở hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực hơn cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng USD từ đầu tháng 8, trong khi các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ ngày 10/8.
Ở nhịp giảm vào các phiên cuối cùng của tháng 7, dòng tiền liên tục đi vào ở các mức giá thấp. Đặc biệt, phiên 27/07 với thanh khoản đột biến cho thấy lực cầu ở vùng giá thấp vẫn đang rất mạnh. Thêm vào đó, chỉ số VNIndex đã vượt lên trên vùng đáy 822 điểm của tháng 6 đã cho thấy chỉ số này đã tạo đáy ở 780 điểm và quay trở lại xu hướng tăng. Mức kháng cự gần nhất trên VNIndex nằm tại 880 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ đạt mục tiêu cao nhất 880 điểm trong tháng Tám này.
Thị trường khả năng đã ổn định, tuy nhiên cơ hội đầu tư vẫn nên được hỗ trợ bởi triển vọng cơ bản
Với những nỗ lực hồi phục đáng ghi nhận của VN-Index sau 2 phiên giảm mạnh ngày 24/7 và ngày 27/7 và tín hiệu tích cực từ dòng vốn, phần lớn NĐT trên thị trường đang kỳ vọng hơn vào triển vọng TTCK Việt Nam trong môi trường lãi suất thấp. Diễn biến xấu nhất của VN-Index trước diễn biến mới của dịch COVID-19 ở Đà Nẵng có thể đã qua với mức đáy 780 điểm được xác lập.
Tăng trưởng dương 25,3% sẽ quay trở lại trong năm 2021.
Trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến bức tranh vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn thị trường chung và các cổ phiếu hưởng lợi từ điểm sáng vĩ mô sẽ là nhóm các cổ phiếu được thị trường yêu thích. SSI đưa ra danh mục cổ phiếu khuyến nghị cho tháng 8/2020 theo 3 nhóm chủ đề dưới đây, phù hợp tích lũy ở vùng giá thấp:
(1) Cổ phiếu được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong Q3/2020 (HPG, FPT, PHR). Nhu cầu tiêu thụ tích cực, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ giúp HPG, FPT, DHC duy trì tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý III/2020. Đồng thời, PHR được lựa chọn do KQKD quý III dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ 2019 nhờ khoản thu nhập bồi thường đất từ NTC.
(2) Các cổ phiếu tăng trưởng tốt từ dịch bệnh (LIX, IMP, VTP). Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm gia tăng khi dịch bệnh quay trở lại là các lý do SSI lựa chọn LIX và IMP. Trong khi đó, việc hạn chế tiếp xúc khi COVID-19 bùng phát sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng đơn hàng qua kênh thương mại điện tử, từ đó tạo cơ hội cải thiện KQKD cho VTP.
(3) Các cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công (PLC, KSB, C4G). Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu rõ mục tiêu đặt ra. Cần phải nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang. Trong 7 tháng đầu năm, vốn giải ngân đầu tư công đạt 203 nghìn tỷ đồng (hoàn thành 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% YoY) trong khi cùng kỳ 2019, mức hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng đều thấp hơn, lần lượt đạt 41,6% và 4,7% YoY.
Việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm 2020 sẽ giúp tăng sản lượng tiêu thụ đối với các công ty đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép cũng như khối lượng công việc đối với các nhà thầu xây dựng. Trong các cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ câu chuyện nêu trên, SSI lựa chọn PLC, KSB và C4G.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!