Thị trường bất động sản như “cục máu đông”, cần giải quyết sớm

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 11/03/2024 15:57 GMT+7

VTV.vn - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản hiện khoảng 2,89 triệu tỷ đồng.

Càng để lâu càng khó giải quyết

Sáng 11/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản).

Theo báo cáo của Tổ công tác, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.

Tình trạng khó khăn này bắt đầu từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện nay như: Nhiều dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (phải tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn). Sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Nguồn cung cho thị trường khá hạn chế tuy nhiên giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý. Như với lĩnh vực đất đai là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Thị trường bất động sản như “cục máu đông”, cần giải quyết sớm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường bất động sản như "cục máu đông", nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng liên đới đến ngành ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác. Khi thị trường bất động sản có chuyển động sẽ kéo theo các lĩnh vực khác.

Đánh giá về thị trường bất động sản, về vấn đề cung - cầu, Phó Thủ tướng cho rằng các sản phẩm ở phân khúc cho người thu nhập cao dường như đang dư thừa. Trong khi đó, phân khúc thấp và bình dân đang rất thiếu, đây là một nghịch lý. Bên cạnh đó là hiện tượng thổi giá của một số doanh nghiệp, đẩy giá bất động sản lên cao bất thường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền. Song, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu phân khúc bình dân, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá"… Cần có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh nhằm đưa thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường.

"Đến thời điểm này, cần phải có sự chia sẻ kể cả các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư… Muốn để thị trường thanh khoản phải đưa giá xuống một cách phù hợp. Thời gian để càng lâu thì càng khó giải quyết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

10 đồng dư nợ tín dụng, bất động sản chiếm 2,2 đồng

Liên quan đến vấn đề tín dụng cho bất động sản, phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, thị trường bất động sản luôn là vấn đề lớn của nền kinh tế một đất nước. Lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng khi chưa có ngành nào có dư nợ lớn như với bất động sản. Hiện dư nợ tín dụng với bất động sản khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, (chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng, trong tổng số 12,8 triệu tỷ dư nợ tín dụng).

"Có nghĩa là với mỗi 10 đồng dư nợ tín dụng, ngành bất động sản chiếm đến 2,2 đồng", Phó Thống đốc cho biết.

Ông Tú khẳng định ngành ngân hàng chưa bao giờ siết tín dụng với bất động sản. Ngành ngân hàng chỉ kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực có thể gây ra rủi ro. Với ngành bất động sản, rủi ro ở đây là đầu cơ, thổi giá…

"Nếu cứ mãi đẩy giá lên, đầu cơ thì sẽ không tiêu thụ được sản phẩm. Mà khi không bán được hàng sẽ không luân chuyển được dòng vốn và thu hồi được nợ", ông Tú cho biết.

Bài toán đặt ra là phải vừa hỗ trợ cho thị trường bất động sản vừa kiểm soát rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Càng tháo gỡ nhanh thị trường bất động sản bao nhiêu thì cũng sẽ tháo gỡ cho ngành ngân hàng nhanh bấy nhiêu.

Thị trường bất động sản như “cục máu đông”, cần giải quyết sớm - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước chưa khi nào siết tín dụng với bất động sản

Theo ông Đào Minh Tú, trong những năm qua, cùng với Bộ Xây dựng, các bộ ngành, hiệp hội, chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong muốn tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt tháo gỡ về mặt cơ chế về mặt tín dụng để giãn các khoản nợ, lãi đến hạn…

"Hiện lãi suất cho vay đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Còn một số khoản cho vay cũ đang được chiều chỉnh hoặc chưa đến kỳ hạn. Về cơ bản là hiện lãi suất đã rất thấp", Phó Thống đốc nói.

Ông Tú nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần giải quyết vấn đề cung - cầu cần phải gặp nhau, bên cạnh đó giá cả phải hợp lý và đảm bảo tính khách quan.

"Vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung - cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản", ông Tú khẳng định.

70% các khó khăn, vướng mắc của dự án là vấn đề pháp lý

Lý giải thêm việc cung - cầu thị trường bất động sản chưa gặp nhau, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng hiện thiếu nguồn cung dự án đã dẫn tới thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong khi nhu cầu về nhà ở là quá lớn.

Ông Châu cho biết, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cao (khoảng 40%), trong 15 năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó nhu cầu nhà ở dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 15 - 20 năm tới. Thành ra giá nhà tăng do lệch pha cung cầu.

Nêu khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, ông Châu cho biết 70% các khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản là vương mắc pháp lý.

"Giải pháp đầu tiên không phải là giải pháp tín dụng mà là giải pháp phi tín dụng, giải pháp về pháp lý", ông Châu nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản như “cục máu đông”, cần giải quyết sớm - Ảnh 3.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA)

Theo ông Châu, hiện nay tỷ trọng nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên dưới 70% tại TP Hồ Chí Minh, có thời điểm chiếm 84%. Còn lại là nhà trung cấp. Năm 2021, 2022, 2023 không còn căn nhà ở thương mại vừa túi tiền tại TP Hồ Chí Minh. Sự lệch pha này dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, qua đó đẩy giá lên.

Cũng theo ông Châu, Luật thuế bất động sản chưa ban hành cho nên thiếu nhiều công cụ điều tiết thị trường bất động sản. Ngoài ra, công cụ về quy hoạch chúng ta chưa sử dụng một cách hiệu quả.

Nói về nhà ở xã hội, Chính phủ có chương trình 1 triệu căn nhà, các tập đoàn lớn đã đăng ký hơn 1,5 triệu căn - điều này đồng nghĩa với sự tham gia của các doanh nghiệp là rất lớn. Vấn đề là cơ chế chính sách để thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước