Với ưu thế hàng có chất lượng cao, ổn định, giá cả hợp lý, hàng Thái Lan đang ngày càng xuất hiện nhiều và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng trong khối ASEAN với thuế suất 0% thì hàng Thái lại càng có nhiều ưu thế hơn nữa so với thị trường Việt Nam.
Không chỉ có các mặt hàng như ô tô, xe máy mà hiện nay, trên thị trường Việt Nam hầu như đã có mặt đầy đủ các sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan từ những thứ nhỏ nhất như lọ muối, gói tăm bông hay miếng rửa bát. Các mặt hàng được cho là thế mạnh của Việt Nam như dệt may cũng bị chao đảo bởi các mặt hàng quần áo, giày dép của Thái. Rất nhiều người tiêu dùng có lòng tin và đã lựa chọn mặt hàng Thái Lan thay cho hàng trong nước.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, nước ta đã nhập siêu gần 1 tỷ USD từ Thái Lan. Hàng Thái đang dần chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam. Vậy nguyên nhân do đâu, do sự lựa chọn của người tiêu dùng hay do doanh nghiệp? Với người tiêu dùng, họ lựa chọn hàng hóa dựa trên 3 tiêu chí là chất lượng, giá cả và mẫu mã. Tất nhiên bất kể hàng nội hay ngoại, cái nào đáp ứng đủ 3 tiêu chí trên thì người tiêu dùng sẽ chọn. Còn với doanh nghiệp trong nước họ đã làm gì? Họ đã thật sự nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Hay họ cần thay đổi gì để không mất thị trường ở kênh này?
"Để cải thiện được vấn đề này thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong các vấn đề hội nhập. Trong đó chúng ta cần chủ động để nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt là thay đổi tư duy về quản lý, thay vì ngắn hạn chúng ta tập trung vào dài hạn, nhìn vấn đề nó sâu hơn. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là tạo niềm tin của các mặt hàng Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nhận định.
Khi mức sống người dân còn thấp, hàng hóa giá rẻ của Tung Quốc xâm nhập vào thị trường nội địa kể cả gói tăm, đôi đũa và thống lĩnh thị trường một thời gian dài. Khi cuộc sống người dân đã được cải thiện thì hàng Thái Lan, Nhật, Mỹ... bắt đầu xâm lấn thị trường. Dường như trong câu chuyện giữ vững thị trường bán lẻ, doanh nghiệp Việt vẫn còn rất hờ hững, thờ ơ, thậm chí là thụ động.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.