“Thế, lực và đà” - động lực để kinh tế Việt Nam vượt khó

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/10/2022 20:47 GMT+7

VTV.vn - Những chỉ dấu tích cực, những "thế, lực và đà" đã tạo được trong thời gian qua sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam thích ứng và vượt qua khó khăn.

Kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Kinh tế - xã hội Việt Nam khởi sắc trên nhiều lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm nay. Điều này được thể hiện qua một loạt chỉ số kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố.

GDP 9 tháng đạt mức tăng trưởng 8,83%, là mức cao nhất cùng kỳ 12 năm qua. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng được kiểm soát ở mức 1,88%.

Động lực tăng trưởng này đến từ vai trò dẫn dắt trong tiêu dùng của người dân, đầu tư và xuất nhập khẩu.

“Thế, lực và đà” - động lực để kinh tế Việt Nam vượt khó - Ảnh 1.

Kinh tế - xã hội Việt Nam khởi sắc trên nhiều lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Minh chứng rõ nhất là doanh thu dịch vụ bán lẻ và tiêu dùng tăng 21% so với cùng kỳ, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, hết 6 tháng, mức xuất siêu mới chỉ ước đạt 710 triệu USD, nhưng hết 9 tháng, con số này đạt 6,54 tỷ USD, gấp hơn 9 lần chỉ sau 3 tháng.

Về đầu tư, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt hơn 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%, mức cao nhất so với 9 tháng trong 7 năm trở lại đây.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng đang đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 9 tháng, cả nước có gần 113.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng tăng gần 32% về số doanh nghiệp.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tăng 805.000 đồng/tháng. Cùng với đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giải ngân hơn 3.500 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại hơn 120.000 doanh nghiệp.

Những chỉ số trên phần nào cho thấy, 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, an sinh xã hội cho người dân được đảm bảo.

Những điểm sáng của kinh tế 9 tháng

Du lịch, tiêu dùng nội địa, chế biến chế tạo và xuất khẩu có thể coi là những điểm sáng trong bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng qua. Sự bứt phá của những lĩnh vực này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển trong những tháng còn lại của năm.

Gần 90 triệu du khách và doanh thu đạt gần 400.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu là du khách trong nước. Đây là những con số thể hiện sự bứt phá của ngành du lịch mà chính những công ty du lịch lữ hành cũng ấn tượng.

"Du lịch trong nước đạt con số gần 90 triệu, tăng trưởng so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2019 đến 14%", ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel, chi nhánh Hà Nội, cho biết.

Các chính sách mở cửa kịp thời, cùng các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 của Chính phủ đã thúc đẩy sự khởi sắc của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.

Du lịch khởi sắc tiếp tục kéo theo hàng loạt các lĩnh vực, ngành nghề khác, như: hàng không, vận tải, tiêu dùng, lưu trú, ăn uống, nhà hàng khách sạn…

"Cả xã hội, cả nền kinh tế thay đổi được chống dịch và trong một thời gian ngắn biến Việt Nam thành đất nước an toàn, đáng tin cậy", TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá.

Một chỉ số khác, hơn 4 triệu tỷ đồng đã được tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này đã phản ánh sức mua sắm của người dân cũng đã hồi phục một phần nhờ chính sách điều hành hợp lý. Điều này không chỉ tạo ra sự luân chuyển hàng hóa, mà còn kích thích các nhà sản xuất, cung ứng, thương mại mở rộng quy mô, nhất là trong bối cảnh giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát.

“Thế, lực và đà” - động lực để kinh tế Việt Nam vượt khó - Ảnh 2.

Du lịch, tiêu dùng nội địa, chế biến chế tạo và xuất khẩu có thể coi là những điểm sáng trong bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng qua.

"Giỏ hàng của người dân đã đẩy đủ hơn, ngoài hàng thực phẩm cơ bản sẽ có thêm mặt hàng phi thực phẩm, số lượng mặt hàng khách hàng mua đã nhiều hơn", ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Khối cửa hàng BigC and Go, Khu vực Hà Nội và miền Bắc, thông tin.

Các chuyên gia đánh giá, sự phục hồi dựa vào nội lực đã tạo nên sức bật cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm bất chấp khó khăn của kinh tế thế giới.

"Thực sự rất tích cực khi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao. Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng hàng năm là trên 7%, đó là những gì Việt Nam có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, vượt qua Philipines, Indonesia và Malaysia. Đây thực sự là một tin vui cho Việt Nam với tốc độ tăng trưởng cao này", ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, nhận định.

"Đà tăng trưởng tốt, thuế vững, vì thế lực của đất nước cũng được tăng lên. Có 3 chữ: đà, thế và lực khắc họa được những gì chúng ta đang có hiện nay", TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói.

Kinh tế Việt Nam được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong những tháng cuối năm do tác động từ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những chỉ dấu tích cực, những "thế, lực và đà" đã tạo được trong thời gian qua sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam thích ứng và vượt qua khó khăn.

Báo Mỹ: Việt Nam đạt thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm Báo Mỹ: Việt Nam đạt thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm

VTV.vn - Theo The Diplomat, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, điều này khiến đất nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn FDI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước