Tháo gỡ khó khăn cho thị trường mua bán nợ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/12/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Hiện tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam vẫn được đảm bảo ở mức dưới 2%, tuy nhiên việc phát triển thị trường mua bán nợ là xu hướng của nhiều quốc gia.

Hơn 770 tỷ đồng là số tiền mà sàn giao dịch nợ đã góp phần xử lý trong một năm qua. Trong đó, thông qua nghiệp vụ tư vấn, môi giới khoảng 130 tỷ đồng. Tổ chức tín dụng xử lý thông qua đăng tin trên sàn là 640 tỷ đồng.

Con số này chưa phải là lớn nhưng đã bước đầu tạo lập một địa điểm mua bán nợ tập trung - một mô hình chưa từng có tiền lệ trong hoạt động xử lý nợ của Việt Nam. Dù vậy, hiện cũng đang tồn tại những khó khăn khiến việc khai thác tối đa giá trị và tiến độ xử lý nợ còn gặp vướng mắc. 

Ghi nhận tại một nhà máy từng là dự án lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trứng gà sạch áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại của Nhật và Israel với mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Sau nhiều năm trở thành nợ xấu, khối tài sản này hiện đang được chào bán khoảng 200 tỷ đồng - chỉ bằng 1/4 giá trị đầu tư ban đầu. 

"Kê biên xử lý tài sản từ năm 2019 đến nay, sau giảm giá 17 lần hiện nay đang đưa ra bán lần thứ 18", ông Đinh Bá Vũ - Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Nông, Phú Thọ cho biết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn là 1,9%. Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện thu hồi nợ, tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước để hồi sinh các khoản nợ xấu.

Hơn 16 tổ chức tín dụng đưa nợ lên sàn giao dịch của VAMC, với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32.000 tỷ đồng. Đây là nơi để các bên mua và bán gặp nhau nhưng muốn giao dịch hiệu quả vẫn cần điều chỉnh. 

"Cần có những quy định chặt chẽ để những đối tượng tham gia mua bán nợ xấu là những người thực sự có tiềm lực, hiểu biết và sẵn sàng chấp nhận rủi ro", ông Nguyễn Hùng Linh - Giám đốc Tập đoàn đầu tư SK Group tại Việt Nam cho biết.

Ngoài ra là các vấn đề khung pháp lý khác như khi tham gia mua bán nợ xấu, người tham gia có quyền, trách nhiệm gì hay được làm gì hay không được làm gì thì cần được quy định rõ. Giải quyết các vấn đề này sẽ giúp các sàn giao dịch nợ xấu trở nên minh bạch và lành mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường mua bán nợ - Ảnh 1.

Theo VAMC, bản thân các ngân hàng còn chưa mặn mà đưa hàng lên sàn mua bán nợ

Gia tăng hàng hoá trên sàn mua bán nợ VAMC

Ngoài ra còn có đề xuất xem xét chứng khoán hoá các khoản nợ xấu để nhiều thành phần nhà đầu tư có thể tham gia vào quá trình này. 

Chứng khoán hóa khoản nợ là giải pháp quan trọng trong xử lý nợ xấu tại nhiều quốc gia. Như tại Hàn Quốc con số này lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này lại chưa được phép thực hiện. Nhưng dù là mua bán nợ hay chứng khoán hóa khoản nợ, việc cần nhất là thị trường có hàng để bán không, ngân hàng đã sẵng sàng đưa khoản nợ lên sàn hay chưa? 

1.000 khoản nợ, 30.000 tỷ đồng là giá trị các khoản nợ đang có trên kệ của sàn giao dịch nợ Công ty quản lý tài sản VAMC. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số nợ trong nền kinh tế. Với người bán, theo VAMC, bản thân các ngân hàng còn chưa mặn mà đưa hàng lên bán.

Theo ông Vũ Ngọc Minh - Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, việc đăng tải các thông tin khoản nợ, tài sản đảm bảo mà các tổ chức tín dụng có thể đăng tải trên sàn giao dịch nợ hiện tại đang ở mức hạn chế. Cần có những cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng khi tham gia sàn giao dịch nợ sẽ được những lợi ích gì.

Còn đối với người mua, theo Tổ chức tài chính quốc tế IFC, trong 6 điều kiện cơ bản cần được giải quyết và tháo gỡ thì tại Việt Nam mới chỉ đạt một điều kiện

"Chúng tôi dành khoảng 3 tỷ USD để đầu tư mua bán nợ vào các thị trường cận biên và thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những rào cản về khung pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ xử lý nợ xấu chưa rõ ràng, việc cho phép thu giữ tài sản thế chấp khi thực thi pháp luật cũng chưa cao", ông Johannes Raschke - Giám đốc đầu tư IFC đánh giá.

Còn theo Ngân hàng thế giới, ngoài việc tăng tính minh bạch và thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin các khoản nợ thì cần có những cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư. 

"Tại nhiều quốc gia, có áp dụng các mức thuế ưu đãi với các tổ chức, cá nhân khi tham gia mua bán các khoản nợ. Bởi đây là một loại hàng hóa đặc thù và cần thời gian để có thể tái cấu trúc và xử lý. Người bán cũng nhận được thuận lợi về giá cả hơn trong quá trình bán qua nền tảng giao dịch", ông Kharlis Bauze - Chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng thế giới cho biết.

Theo các chuyên gia nước ngoài, giải pháp là hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua-bán nợ.

Trong khi thời gian chờ đợi những điều kiện pháp lý thuận lợi hơn để kích thích sự tham gia của nhà đầu tư thì chắc có lẽ, việc cần làm ngay lúc này của sàn mua bán nợ VAMC là bổ sung thật nhiều hàng hóa lên kệ, với thật nhiều trường thông tin để luôn sẵn sàng cho người mua có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn

Hiện tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam vẫn được đảm bảo ở mức dưới 2%, tuy nhiên việc phát triển thị trường mua bán nợ là xu hướng của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, người dân quan tâm nhiều hơn đến các kênh đầu tư tài chính khi thu nhập và kiến thức tài chính được cải thiện. Thị trường mua bán nợ đôi khi còn là giải pháp cho các khoản nợ của trái phiếu doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước