Sau 3 tháng, trên 51 tổ chức, cá nhân đã đăng ký tham gia sàn giao dịch. Điều này kỳ vọng sẽ giúp hoạt động trên thị trường mua bán nợ sôi động hơn trong thời gian tới.
Hàng trăm khoản nợ có tài sản đảm bảo, với dư nợ hơn 9.000 tỷ đồng đều được đăng tải công khai trên sàn giao dịch, giúp các tổ chức xử lý nợ dễ dàng tiếp cận, trao đổi mua bán với nhau.
"Bên có nhu cầu mua nợ và bên có nhu cầu bán nợ dễ dàng gặp gỡ nhau hơn, dễ dàng trao đổi thông tin và có thể kết nối với nhau để hoạt động xử lý, thu hồi nợ được triển khai nhanh hơn, góp phần giúp thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch", ông Võ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm xử lý mua bán nợ MB AMC, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Minh bạch thông tin cũng được nhận định là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn tới việc đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Trong năm qua, VAMC đã tổ chức hơn 14 cuộc đấu giá, bán được giá cao hơn, có khoản nợ thu về hơn 700 tỷ đồng.
"Các khoản nợ xấu hiện nay mua theo thị trường hầu hết là khoản nợ xấu tương đối lớn. Tuy nhiên, khi có sàn giao dịch nợ, những khoản nợ 2 - 3 tỷ, 5 - 7 tỷ giao dịch thuận lợi hơn trong quá trình xử lý nợ xấu. Những khoản nhỏ sẽ đưa qua sàn giao dịch nợ để thực hiện tư vấn, môi giới, hỗ trợ giữa người mua và người bán", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản VAMC, nhận định.
Có tài sản bán, nhưng để thị trường giao dịch sôi động cần có thêm nhiều người mua. Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về mua bán nợ xấu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy các chuyên gia cũng kiến nghị cần hoàn thiện chính sách để mở rộng chủ thể tham gia thị trường, đồng thời cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu để tạo hành lang pháp lý trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!