Theo báo Giao thông, bắt đầu từ ngày 1/3 vừa qua, 8 đơn vị của Hà Nội bao gồm: các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, LĐ-TB&XH, cùng các quận Hà Đông, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm bắt đầu thực hiện thí điểm khoán xe công. Toàn bộ xe ở các đơn vị này được niêm phong và sẽ bán thanh lý.
Chủ trương thanh lý xe biển xanh là hoàn toàn đúng đắn, nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa quên những con số: 6 tháng đầu năm 2016, các bộ ngành, cơ quan Trung ương đã thanh lý tổng cộng 264 xe ô tô công. Giá trị ban đầu của 264 xe này là gần 80 tỷ đồng, nhưng sau khi thanh lý chỉ thu về có vỏn vẹn 390 triệu đồng. Lấy 390 triệu đồng chia cho số lượng xe trên, tính ra chỉ mất 1,5 triệu đồng là sở hữu được một chiếc xe công.
Báo Giao thông đã bình luận đây quả là một câu chuyện khó tin nhưng có thật. Tuy đó là những chiếc xe đã qua sử dụng nhiều năm, việc bán xe có thể vẫn "đúng quy trình" nhưng câu chuyện bán tài sản Nhà nước cũng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Tờ báo này cũng chỉ ra một kịch bản mà nhiều người lo lắng.
Kịch bản đó là khi màn đấu giá bị biến thành vở diễn. Những người tham gia đấu giá thực chất là diễn viên đóng vai quân xanh, được cài cắm vào để mua tài sản với giá rẻ. Hạn chế số người biết đến việc bán đấu giá tài sản, bắt tay với các đơn vị thẩm định giá để giảm giá trị tài sản đấu giá, hay đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn thực tế nhiều lần.
Như vậy, khi tài sản Nhà nước bị mua đắt, bán rất rẻ như vậy thì việc không kiểm soát tốt và hạn chế tiêu cực sẽ khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu rất lớn, tài sản bán đấu giá khó thoát khỏi tay của các nhóm lợi ích.
Dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước cho hay, năm 2015, cả nước có 36.897 xe ô tô công đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (chưa bao gồm các xe của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp Nhà nước) với tổng nguyên giá gần 20.000 tỷ đồng. Như vậy, xe ô tô công là một khối tài sản rất lớn.
Trong khi đó, nhiều quy định đã được ban hành để quản lý tài sản công được đưa ra đấu giá. Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua tháng 11/2016 đã có những quy định khá chặt chẽ và hạn chế được nhiều các kẽ hở trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước. Ngoài ra, Luật Quản lý tài sản công để thay thế cho Luật Quản lý tài sản Nhà nước 2008 cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thông qua vào năm 2017.
Tuy nhiên, để các quy định của pháp luật phát huy được hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí thì việc công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước cũng là một việc làm rất quan trọng, tránh để việc bán xe công "đúng quy trình" một cách vô lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!