Thách thức xuất khẩu nửa cuối năm

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/08/2022 06:25 GMT+7

VTV.vn - Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong 3 tháng gần đây. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm đơn hàng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam chững lại.

Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu 1 tỷ USD, nhưng đó là kết quả của 7 tháng đầu năm. Còn hiện nay, một số doanh nghiệp gỗ đã buộc phải cho lao động nghỉ luân phiên vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, có doanh nghiệp doanh thu và đơn hàng sụt giảm đến 90%.

Đáng nói, gỗ không phải là lĩnh vực duy nhất, nhiều ngành nghề vốn là thế mạnh trong xuất khẩu như: dệt may, da giày, điện thoại thông minh… cũng đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường.

Mặc dù vẫn đạt tăng trưởng khá với giá trị hơn 22 tỷ USD trong 6 tháng, nhưng sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã giảm 7% so với trước. Mục tiêu 43 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay vẫn có thể đạt được nếu như doanh nghiệp bám sát được thị trường.

Thách thức xuất khẩu nửa cuối năm - Ảnh 1.

Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã giảm 7% so với trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chỉ những người cập nhận được tốt tín hiệu thị trường và tiên phong trong thương lượng và chấp nhận rủi ro cân nhắc, ký kết các đơn hàng dài hơn thì vẫn có khả năng hoàn thành được mục tiêu", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định.

Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong 3 tháng gần đây. Điều này cũng được phản ánh qua sự chững lại trong các đơn đặt hàng ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản trị mua hàng PMI trong tháng 7 giảm nhẹ xuống 51 điểm. Các doanh nghiệp thay vì sản xuất các đơn hàng lẻ, ngắn hạn, nay phải hướng đến sản xuất theo chuỗi các lô hàng lớn.

"Khách hàng của chúng tôi tập trung vào phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng việc quay trở lại của thị trường. Chính vì thế, họ cũng tìm kiếm các nhà cung ứng có khả năng hợp tác phát triển sản phẩm với họ từ sớm hơn, cũng như có khả năng hoàn thiện được nhiều công đoạn hơn trong sản xuất để họ tăng khả năng quản trị rủi ro", ông Dương Nguyên Thành, Phó Chủ tịch Công ty Haast Việt Nam, cho hay.

Lúc này, dự báo lạm phát cao hơn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu đã khiến các điều kiện tài chính của người dân, hộ gia đình bị thắt chặt hơn.

"Nhìn thấy rõ lĩnh vực điện tử tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát tác động lên thu nhập thực tế và sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Hàng hóa cao cấp gần như đứng ngoài ưu tiên mua sắm của người dân. Chúng tôi vẫn đánh giá tích cực những mặt hàng thiết yếu, phổ thông như dệt may, da giày, nông sản thế mạnh của Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng ít nhất là sang tới quý 3", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá.

Người dân các nước tăng cường tiết kiệm

Nói về thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam không thể không nhắc đến Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay biến động nhanh, phức tạp và sẽ còn khó lường, khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Bất ổn về kinh tế, cuộc sống khó khăn do lạm phát, hạn hán… đã khiến người dân tại nhiều nước tăng cường "thắt lưng buộc bụng", làm cho nhu cầu giảm xuống.

Tỷ lệ lạm phát cao tại Mỹ, châu Âu, khiến người tiêu dùng vẫn đang phải vật lộn cắt giảm nhiều loại chi phí. Kinh tế Mỹ trong 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm, khiến người dân Mỹ cảm thấy bất an và càng "thắt lưng buộc bụng" trong thời gian tới.

Châu Âu đang đối mặt với đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) mới đây cảnh báo, thiệt hại kinh tế từ những đợt nắng nóng và hạn hán ở châu Âu có thể còn lớn hơn nhiều so với tác động của khủng hoảng năng lượng, do xung đột Nga - Ukraine.

Chính sách "zero COVID-19" của Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế của nước này. Chính sách này một mặt hạn chế nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á vào thị trường này, mặt khác xuất khẩu của Đông Nam Á sang các nước thứ ba bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Kinh tế Nhật Bản đang có nguy cơ lao dốc vì dịch COVID-19 tái bùng phát. Trong khi đó, tiền lương của người lao động trong quý 2, bao gồm cả yếu tố lạm phát, lại giảm 0,9% so với quý trước, điều này khiến người dân Nhật Bản càng hạn chế chi tiêu.

Nhu cầu của thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… giảm xuống sẽ tạo áp lực đối với lĩnh vực xuất khẩu tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói tứ bề đều là khó khăn thách thức, từ giá đầu vào nguyên liệu tăng, sự thắt chặt kinh tế do lạm phát của thế giới, các chính sách kinh tế của các nước trong khi vẫn đang đối mặt với các đại dịch như COVID-19, đậu mùa khỉ... Tuy nhiên, đối diện với khó khăn buộc các doanh nghiệp phải phát huy sức mạnh nội tại, thay đổi các chiến lược, cũng như thị trường kinh doanh sao cho phù hợp.

Cùng với đó, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… hay gần nhất chỉ riêng RCEP - hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới với quy mô thị trường 2,3 tỷ người, chiếm gần 30% GDP và 25% thương mại toàn cầu chính thức có hiệu lực, Việt Nam nhận được nhiều tác động tích cực từ những hiệp định này.

Với tiềm năng lớn, lợi thế về sự đa dạng và chất lượng sản phẩm, không có lý gì, hàng hóa Việt Nam không đến được với nhiều gian hàng hơn tại các siêu thị, lên nhiều bàn ăn hơn của người dân trên khắp thế giới.

Tỷ lệ lạm phát ở mức cao, nhu cầu chi tiêu giảm xuống. Trong khi, nửa đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ là hơn 64 tỷ USD, Trung Quốc là hơn 30 tỷ USD, châu Âu gần 28 tỷ USD. Vậy nếu người dân các quốc gia này thắt lưng buộc bụng thì tác động cụ thể đến xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng cuối năm là như nào?

Bộ Công Thương đã và đang làm gì để cùng đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cả năm nay?

Chương trình Vấn đề hôm nay (19/8) với sự tham gia của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sẽ giải đáp những thắc mắc. Mời quý vị theo dõi qua video trên!

Tìm cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường mới Tìm cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường mới

VTV.vn - Lạm phát và tình hình khó khăn chung khiến xuất khẩu có dấu hiệu giảm. Việc tìm cách khôi phục thị trường truyền thống và tìm thị trường mới là nỗ lực cần phải tính đến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước