Dự kiến ngày 8/12, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ ký Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc tại cuộc họp trực tuyến giữa hai bên. Đây được coi là giấy thông hành chính thức để sản phẩm này có thể xuất khẩu chính ngạch sau 2 năm đàm phán.
Trước đó, các chuyên gia kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá vùng trồng và cơ sở đóng gói chế biến thạch đen để chuẩn bị cho việc ký nghị định thư.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm đến gần 26%, thạch đen được xuất khẩu chính ngạch được coi là bước tiến mới nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiếp tục thúc đẩy theo thứ tự ưu tiên đối với một số loại trái cây vào thị trường tỷ dân như: Bưởi, chanh leo, và một số loại quả khác…
Thạch đen là cây trồng mang đặc thù của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tại Lạng Sơn - tỉnh trồng nhiều thạch đen nhất với khoảng 2.000ha/năm, sản lượng 10.000 tấn với giá trị khoảng 250 tỷ đồng.
Thạch đen khô. Ảnh: Dân trí.
Theo các kết quả nghiên cứu, thân, lá cây thạch đen không chỉ dùng nấu thạch làm thứ giải khát thông thường mà còn là một cây dược liệu quý, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm nắng, đau khớp.
Với nhiều công dụng kể trên, thị trường tiêu thụ thạch đen rất rộng mở. Thạch đen khô được bán với giá khá cao, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, có thời cao điểm lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Theo tính toán, năng suất thạch đen khô bình quân đạt 5,5 tấn/ha, giá sản phẩm 15.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 80 triệu đồng/ha/1 lần thu hoạch (thạch đen có thể thu hoạch 2-3 lần/năm), lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!