"Tấp nập" đơn hàng xuất khẩu gỗ đầu năm

Trịnh Huyền-Thứ hai, ngày 15/03/2021 17:10 GMT+7

VTV.vn - Hai tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 2,4 tỷ USD, bằng 20% cả năm 2020.

Năm nay, ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ USD. Những tín hiệu từ lượng đơn hàng xuất khẩu đầu năm nay cho thấy ngành gỗ đang rất triển vọng cán đích mục tiêu xuất khẩu dù còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu gỗ đầu năm - Ảnh 1.

Mặt hàng gỗ dán xuất khẩu.

Công ty TNHH Thiện Linh của ông Trần Xuân Thiện chuyên sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. Đầu năm nay, đơn hàng về tới tấp, doanh nghiệp đã nhận đủ các đơn hàng trong vòng 5 tháng tới. Trung bình mỗi tháng công ty ông Thiện sẽ xuất khẩu 30 container mặt hàng này. 

Theo ông Thiện, tình hình đơn hàng xuất khẩu đầu năm khá tích cực, tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng trong vòng khoảng 5 tháng vì lo ngại giá nguyên liệu đầu vào đang có chiều hướng tăng. Đặc biệt, với sản phẩm gỗ dán của công ty cần nhiều các loại hoá chất, keo dính... Giá các phụ liệu này đang rất cao và không ổn định, doanh nghiệp không biết rõ biến động giá trong dài hạn mà thường chỉ được các đại lý bán phụ liệu cung cấp thông tin ngay trước mỗi đợt nhập hàng.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu gỗ đầu năm - Ảnh 2.

Ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ gỗ

Còn với đơn vị xuất khẩu mặt hàng dao, thìa, dĩa gỗ dùng 1 lần như Công ty TNHH Kẻ gỗ, các sản phẩm của công ty này thường được sử dụng trong ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, sân bay... do đó xuất khẩu chưa thật sự khôi phục. 

Tuy nhiên, các đơn hàng trở lại từ tháng 1,2 năm 2021 và tính đến tháng 3 năm 2021, sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp với mặt hàng dao thìa dĩa gỗ dùng một lần đã đạt khoảng 30% so với thời kỳ trước dịch. 

Ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ gỗ chia sẻ: "Từ 3/7 năm nay, phía châu Âu sẽ áp dụng cấm toàn sản phẩm nhựa dùng 1 lần trên toàn lãnh thổ. Do đó doanh nghiệp đang có lượng khách hàng hỏi hàng rất nhiều từ tháng 3 năm nay." 

Ông Kiên nhận định xuất khẩu các sản phẩm này năm nay rất triển vọng, sẽ sớm khôi phục hoàn toàn và phát triển hơn nữa.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu gỗ đầu năm - Ảnh 3.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng cho cả năm, chỉ ký đơn hàng ngắn hạn cho từ 1 đến 2 quý do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình thiếu container rỗng gây ra biến động giá cước tàu biển. 

"Các đơn hàng được đong đầy cho đến cuối năm tuỳ theo từng mặt hàng, dòng hàng cụ thể. Nguồn hàng về Việt Nam cơ bản là vượt so với khả năng cung của Việt Nam. Triển vọng của thị trường gỗ và sản phẩm gỗ năm nay cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn", ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ. 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng thông tin cụ thể tình hình nhận đơn hàng đầu năm của ngành gỗ, khác nhau theo từng loại mặt hàng cụ thể như sau. Các mặt hàng thành phẩm như đồ gỗ, ghế ngồi… thường các doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn 1 năm. Trong nhóm này, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã ký đơn hàng cho cả 1 năm, bởi các dòng sản phẩm này làm theo yêu cầu của khách hàng, đơn hàng của năm nay sẽ phục vụ cho nhu cầu của năm sau.

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu gỗ đầu năm - Ảnh 4.

Sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu

Đối với mặt hàng gỗ dán và các loại ván nhân tạo: Ghi nhận các doanh nghiệp xuất khẩu đều có đơn đặt hàng dài, nhưng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng dài. Nguyên nhân bởi giá nguyên liệu đầu vào của nhóm sản phẩm này trong nước luôn biến động, phụ thuộc vào thời tiết.

Còn các mặt hàng khác như dăm gỗ, viên nén… thường ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn nhưng sẽ điều chỉnh giao hàng trong  ngắn hạn, do giá của các mặt hàng này luôn biến động theo tuần hoặc tháng tùy thuộc vào giá dầu, giá nguyên liệu trong nước,…

Với sự gia tăng triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, ông Lập cũng cho biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa mừng nhưng cũng vừa lo bởi khi gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là lượng hàng xuất vào thị trường Mỹ quá lớn khiến cho phía Mỹ có thể sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ đối với các mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến. Hiệp hội vẫn đồng hành cùng các doanh nghiệp để cùng theo dõi diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong những diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước