Biến động cực mạnh, giảm sâu, tăng vọt… là những cụm từ được miêu tả về thị trường cà phê trong thời gian này. Chỉ trong 1 tuần qua, giá cà phê thế giới có 2 phiên giảm sâu, sau đó 3 phiên tăng vọt liên tiếp. Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1 trên sàn London đạt mức 5.153 USD/tấn.
Trong ngày 29/11 vừa qua, sau 5 phiên tăng liên tiếp, giá cà phê đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5.565 USD/tấn. Mức giá này cao hơn tới 38 USD so với kỷ lục cũ được ghi nhận vào ngày 26/9/2024. Và nếu rộng ra thì trong năm 2024, giá cà phê robusta cũng liên tục đạp đổ những kỷ lục của chính mình. Còn nếu đặt diễn biến này vào bối cảnh 10 năm qua, thì xu hướng giá cà phê tăng đã được xác lập cách từ đầu năm 2021, khi giá cà phê giao động quanh mốc 1.400 - 1.500 USD/tấn. Như vậy, giá cà phê đã có hành trình 3 năm vừa qua, tăng tới 3,6 lần, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhu cầu cà phê thế giới tăng liên tục trong suốt 10 năm qua từ 118 triệu bao trong niên vụ 2012 - 2013 đến nay nhu cầu này ở mức hơn 141 triệu bao. Trong khi đó, sản xuất cà phê của 2 ông lớn là Brazil và Việt Nam đang chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đối với tình hình sản xuất tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2024 - 2025 khoảng 1,7 triệu tấn trong khi Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) ước tính chỉ 1,6 triệu tấn.
Nhu cầu cà phê thế giới tăng liên tục trong suốt 10 năm khiến giá cà phê tăng cao kỷ lục. Ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: "Dự kiến năm nay, sản lượng giảm trên dưới 5-10% do ảnh hưởng khô hạn, biến đổi khí hậu, một số diện tích chuyển đổi cây trồng do những năm vừa qua giá cà phê quá thấp nên bà con chuyển đổi sang loại cây khác".
Hiện nay, giá cà phê robusta và arabica đều vượt xa mức trung bình của nhiều năm. Các kỳ hạn xa liên tục tăng cao, cho thấy thị trường đang lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong tương lai. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trong ngành cà phê cho rằng sự thay đổi trong cung cầu vật lý sẽ tự điều chỉnh theo thời gian. Một trong những yếu tố tác động lớn đến giá cà phê là đầu cơ kỹ thuật.
Ông Michel Germanès - Giám đốc Điều hành EFICO Group cho biết: "Những người kỳ cựu trong ngành cà phê đổ lỗi cho các nhà đầu tư tài chính (các tổ chức tài chính lớn như quỹ đầu cơ, công ty giao dịch độc quyền và quỹ tương hỗ). Họ nói rằng họ đang lợi dụng sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu để đẩy giá cà phê lên cao bằng cách tăng thêm sự biến động trong giao dịch hợp đồng giao cà phê trong tương lai".
Nhìn kĩ hơn vào Việt Nam - chúng ta đang đứng vị trí á quân trong vai trò là nhà cung cấp cà phê cho thế giới và là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới. Trung bình mỗi năm sản lượng cà phê nhân của chúng ta khoảng 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu tới 1,6 triệu tấn. Dữ liệu chúng tôi ghi nhận trong vòng 10 năm trở lại đây, lượng cà phê chúng ta cung cấp đã giảm. Cụ thể, năm 2014 chúng ta cung cấp 1,69 triệu tấn cà phê nhưng tính đến hết tháng 11 năm nay, con số này chỉ còn hơn 1,2 triệu tấn. Sản xuất cà phê ngày càng chịu tác động nhiều hơn của biến đổi khí hậu vì vậy, nâng cao chất lượng và năng suất của cà phê Việt Nam đã trở thành yêu cầu cần thiết.
Quá trình tái canh cà phê Việt Nam bắt đầu từ 2014
Chương trình tái canh cây cà phê đã cho hiệu quả là giá cà phê của Việt bắt đầu một chu kỳ tăng giá mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 giá cà phê của Việt Nam ở mức thấp chỉ khoảng 34 – 35.000đ/kg, trong khi diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh có tới 120.000 ha, chiếm tỷ lệ tới 25%. Đòi hỏi từ thực tiễn phải tiến hành cuộc cách mạng trong ngành cà phê. Chương trình tái canh cây cà phê đã ra đời trong bối cảnh đó. Tái canh cà phê là thay thế diện tích cà phê già cỗi bằng diện tích cà phê với giống mới hơn, chu trình canh tác tiên tiến hơn. Và kết quả là, sau gần 10 năm, đến 2022 trên 150.000 ha diện tích được tái canh bằng việc trồng mới. Giá cà phê của Việt cũng bắt đầu một chu kỳ tăng giá mới.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Trong quá trình tái canh chúng ta đã thay đổi được bộ giống mới, chất lượng cà phê của chúng ta được nâng lên, đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn, chứng nhận của các nước nhập khẩu để chúng ta sản xuất được cà phê chất lượng cao trong thời gian vừa qua".
Việc giảm về sản lượng, nhưng tăng về chất lượng thì cũng giúp thị trường thế giới nhìn nhận lại cà phê của Việt Nam. Nhìn vào biểu đồ thì rõ ràng cà phê của Việt Nam ngày càng có giá.
Cà phê Việt Nam tăng giá trị
Theo Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam người hưởng lợi đầu tiên khi giá cà phê liên tục tăng đó chính là giới đầu cơ sau đó mới đến người nông dân.
Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho hay: "Ít nhất là 5 năm tới tôi nghĩ giá cà phê sẽ rất cao bởi nhu cầu rất lớn và lượng sản xuất hẹp đi. Cả thế giới nhận thấy rằng Việt Nam không phải là vô hạn trong vấn đề cung cấp robusta".
"Để cạnh tranh với cà phê Việt Nam với cà phê toàn cầu thì hầu như cà phê Việt Nam nó ở một vị trí rất rõ ràng, quan trọng nhất là chúng ta càng phải làm gì để tăng chất lượng cà phê được thay đổi để được tiếp cận với thị trường thế giới ngày một tốt hơn, ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam chia sẻ.
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam người hưởng lợi đầu tiên khi giá cà phê liên tục tăng đó chính là giới đầu cơ, những người đặt kỳ vọng giá cà phê tăng, và giá cà phê đã tăng theo đúng kỳ vọng của họ. Thứ nữa mới đến những người nông dân của Việt Nam, vì hiện nay đang vào giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu lại đang lo ngại những rủi ro tiềm ẩn khi giá cà phê biến động khá mạnh trong ngắn hạn.
Rủi ro tiềm ẩn khi giá cà phê tăng cao
Việc giá cà phê tăng cao sẽ rất rủi ro cho các doanh nghiệp.
Biểu đồ giá cà phê trong vòng 1 tháng qua lập đỉnh vào ngày 29/11 nhưng chỉ sau đó vài phiên giá cà phê lao dốc mất gần 1.000USD/tấn, xuống còn quanh mốc 4.600 USD/tấn. Theo hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, biên độ giao động giá cà phê hiện nay giao động từ 300 - 350 USD/phiên là khá phổ biến. Và với biên độ này thì rất rủi ro cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam cho hay: "Chúng ta hạn chế việc mua xa bán xa kể cả hàng thực lẫn trên sàn, với số lượng lớn thì rủi ro của chúng ta sẽ rất cao".
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, khi giá cà phê tăng cao thì thường người dân sẽ mở rộng diện tích, nên nhiều lần họ đã đưa ra khuyến cáo.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Các địa phương lưu ý để định hướng bà con nông dân không mở rộng sản xuất cà phê ở những vùng không đủ điều kiện về nước tưới. Thứ 2, không mở rộng diện tích cà phê ở những vùng tầng đất canh tác rất thấp".
Tại thời điểm biến động này, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng các thành phần tham gia thị trường cà phê, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm nhiều hơn việc phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh.
Hiện nay, tại các vùng trồng cà phê đang có hiện tượng người nông dân gửi cà phê cho các công ty để ứng tiền vật tư nông nghiệp nhưng không vội bán cà phê để chờ giá lên. Tình trạng này cũng gây ra khó khăn cho ngành xuất khẩu của Việt Nam, bước vào niên vụ cà phê 2024 - 2025, Việt Nam đã thu hoạch được 30% nhưng giao dịch đưa ra thị trường làm nguyên liệu cho xuất khẩu chỉ ở mức 10%.
Chúng ta đang bước vào một niên vụ cà phê mới đầy thách thức, đòi hỏi cả nông dân cà phê và doanh nghiệp thật phải thật cẩn trọng, cân nhắc bán để hiệu quả. Mục tiêu để người nông dân có thể sống tốt từ cây cà phê và doanh nghiệp vẫn có hàng để giữ chân được người tiêu dùng thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!