Xu hướng Tết thiết thực, đơn giản
Nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này được xem là thời kỳ vàng mua sắm, khi nhu cầu chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài của người dân tăng cao. Tuy nhiên, Tết năm nay, dự báo mức chi tiêu của người dân sẽ không đột biến. Bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm. Để thích ứng với xu hướng này, nhiều kênh bán lẻ, các doanh nghiệp đã tập trung ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm cho người tiêu dùng.
Tại doanh nghiệp này, ngoài dòng sản phẩm chủ lực cho Tết như mọi năm, để tạo cú hích doanh thu, đơn vị cũng quyết định đầu tư ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới. Tuy nhiên, các yếu tố như tiện lợi, giá cả phải chăng vẫn là ưu tiên trong kế hoạch làm hàng Tết.
Bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food cho biết: "Năm nay công ty có dự tính là tăng sản lượng khoảng 20% so với kế hoạch hàng năm. Chúng tôi sẽ ưu tiên mặt hàng người tiêu dùng thiết yếu sử dụng trong mùa Tết, đặc biệt năm nay chú trọng các mặt hàng tiện lợi như cơm, mì…, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của giới trẻ thì chúng tôi tập trung chú ý".
Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn hàng hóa dự kiến phục vụ Tết được doanh nghiệp chuẩn bị lên tới khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 10.000 tỷ đồng, tức gần một nửa dành cho hàng bình ổn thị trường. Điều này đảm bảo hàng hóa sẽ luôn đủ cung ứng với mức giá hợp lí.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp đều tiết giảm mọi chi phí và giảm lợi nhuận của mình để đưa ra những hàng hóa tuy là dịp Tết nhưng đều không thay đổi về giá bán, vẫn giữ ổn định giá bán. Nếu sức mua tăng đột biến, hàng hóa vẫn cung ứng đủ và đảm bảo giá cả".
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam nhận định: "Chúng tôi đã làm việc với nhà cung cấp từ đầu tháng 10 để chúng tôi có các mã hàng mà chúng tôi có thể chuẩn bị về giá cả, không đột biến về giá".
Các đơn vị tư vấn cho rằng, với xu hướng sắm Tết hướng đến sự tiết kiệm, đơn giản hơn, các thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng này của người tiêu dùng.
Ông Mohammad Mudasser - Giám đốc Dịch vụ Quản lý vốn lưu động, Công ty PwC Việt Nam đưa ra ý kiến: "Người tiêu dùng đang ưu tiên các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hơn là các mặt hàng xa xỉ, với 63% người được khảo sát cho biết họ đang chú ý nhiều hơn đến giá cả so với năm ngoái. Vì vậy, đối với doanh nghiệp, họ cần cung cấp nhiều biến thể sản phẩm với mức giá khác nhau có thể thu hút nhiều khách hàng hơn".
Theo dự báo của Bộ Công thương, sức mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung, hiện nay các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã tăng sản lượng từ 10-20% cho dịp Tết năm nay.
Doanh nghiệp tập trung ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm cho người tiêu dùng
Sản phẩm OCOP vào cao điểm mùa Tết
Một tín hiệu đáng mừng trong mùa Tết năm nay là sự có mặt của các sản phẩm OCOP ngày càng nhiều. Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang chủ động phát triển cả hình thức, lẫn chất lượng theo thị hiếu người tiêu dùng, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
182 là số lượng sản phẩm OCOP mà tỉnh An Giang có được. Và dịp Tết năm nay, những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương đều có mặt trong các giỏ quà.
Trước đây, những giỏ quà Tết thường hàng ngoại nhập chiếm từ 30-40%, thậm chí còn cao hơn. Tuy nhiên, hiện 100% là sản phẩm OCOP. Điều này cho thấy chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao và người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Sản phẩm OCOP của Đồng bằng sông Cửu Long đang lên ngôi khi nhiều mặt hàng còn tham gia xuất khẩu. Điển hình đây là lô yến sào đạt chứng nhận 4 sao, 5 sao đang chuẩn bị đi Trung Quốc.
Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết: "Tiếp tục tham gia Hội nghị, tham gia các Hội chợ, sự kiện thương mại để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh trong và ngoài nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung vào làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử".
Hiện cả nước có hơn 14.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Không chỉ có dịp Tết, mà ngay trong tiêu dùng hàng ngày, những sản phẩm tiêu biểu này đang là sự lựa chọn ưu tiên của đông đảo khách hàng nhờ tính đa dạng, đặc trưng và đảm bảo chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Cho đến nay, sản phẩm OCOP vẫn được khai thác mạnh ở thị trường nội địa, tạo động lực cho các nhà sản xuất. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, dòng sản phẩm này ngày càng được chú trọng, có mặt trong giỏ quà Tết của người tiêu dùng.
Để sản phẩm OCOP ngày một vươn xa hơn, nâng cao giá trị cho các chủ thể sản xuất, năm 2025, ngành nông nghiệp cùng các doanh nghiệp đang tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên nhất vẫn nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm cũng như tiếp tục khai thác có hiệu quả các nền tảng số hóa để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Nha - Chủ tịch Công ty Phát Triển Xanh Long An nhận định: "Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại để phát triển sản phẩm của mình theo hướng xanh sạch cũng như tổ chức liên kết với các đơn vị OCOP trong tỉnh, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Bước đầu chúng tôi đạt 3 sao, tiến tới sẽ xây dựng 4 sao, 5 sao. Giá trị cốt lõi là sản phẩm phải đáp ứng tốt nhất cho sức khỏe của người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đưa ra ý kiến: "Tới đây, ngành sẽ tiếp tục vừa tham mưu cho Ủy ban phối hợp với các doanh nghiệp có các mặt hàng chủ lực như các sản phẩm OCOP để đưa lên các sàn để giao dịch tốt hơn trong thời gian sắp tới".
Ông Trần Thành Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định: "Họ tham gia các trang như Vỏ sò, Tiki, Lazada, doanh thu rất đáng kể. Song song với đó, từ việc làm quen với thị trường xuất khẩu và kết nối các nhà buôn, thời gian qua đánh giá rất tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy việc này trong năm 2025".
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang chia sẻ: "Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập huấn rất kỹ vấn đề này. Chúng tôi đã mời các chuyên gia của Sendo, của Tiktok, Shopee về An Giang để hướng dẫn cho bà con, đồng thời chúng tôi cũng tổ chức họp trực tuyến nhiều lần để họ phổ biến các quy định của sàn thương mại điện tử đó nói riêng và của quy định pháp luật nói chung, để giúp doanh nghiệp tiếp cận được và khi phát triển quy mô lớn sẽ có nền tảng để họ không vướng vào các vấn đề theo quy định của pháp luật".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!