Chương trình Đối thoại chính sách tuần này sẽ đi tìm đáp án cho câu hỏi: Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là gì? Nó có những đặc trưng nào? Và luật doanh nghiệp sửa đổi sẽ có tác động như thế nào tới cộng đồng các doanh nghiệp xã hội?
Tham dự cuộc trò chuyện gồm các khách mời: ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng.
Hiểu một cách chung nhất, doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp được thành lập không vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu duy nhất là giải quyết một vấn đề xã hội nào đó, lợi nhuận thu được sẽ dùng để tiếp tục phục vụ cho mục tiêu xã hội hay môi trường mà nó theo đuổi.
“Đề cập trong luật doanh nghiệp sửa đổi đang được thảo luận tại Quốc hội, định nghĩa về doanh nghiệp xã hội gồm ba đặc điểm cơ bản: Một là, doanh nghiệp xã hội cũng giống những doanh nghiệp bình thường khác; hai là doanh nghiệp được thành lập ra với mục tiêu để giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội, môi trường mà đã xác định là sứ mệnh của doanh nghiệp; ba là phần lớn lợi nhuận thu được phải được tái đầu tư để thực hiện nhiệm vụ xã hội mà doanh nghiệp đã đăng kí. Những đặc điểm này được xác định xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho biết.
Thực tế trong nhiều năm qua, mặc dù chưa được luật pháp chính thức thừa nhận, nhưng Việt Nam đã có hơn 1.000 doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp có đặc tính như một doanh nghiệp xã hội đang hoạt động. Các doanh nghiệp này đang hoạt động tại địa phương dưới danh nghĩa trung tâm.
Không chỉ đóng góp cho xã hội, họ còn có nhu cầu lớn phải được thừa nhận về mặt pháp lý và xã hội, từ đó đã nảy sinh ra việc cần phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách và văn bản pháp luật cụ thể.
‘ Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương
Đánh giá việc đưa doanh nghiệp xã hội vào nội dung sửa đổi luật doanh nghiệp lần này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để luật hóa loại hình doanh nghiệp mới này.
“Việc sửa đổi luật doanh nghiệp cho các đối tượng doanh nghiệp xã hội ở thời điểm hiện tại không quá muộn, bởi nó nằm trong xu thế xã hội hóa chung, từ mô hình Nhà nước bao cấp chuyển sang mô hình xã hội, trong đó các doanh nghiệp xã hội đã tham gia thay thế”, ông Cung nói.
Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng thuận của ông Nguyễn Sĩ Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. “Đối với nhiều vấn đề mà Nhà nước không thể giải quyết thì đây là thời điểm chín muồi để luật hóa hoạt động của doanh nghiệp xã hội với tư cách một cơ chế giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội”, ông Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.
Vậy phản ứng của các doanh nghiệp xã hội trước những thông tin sửa đổi luật doanh nghiệp như thế nào? Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng khẳng định: “Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xã hội, bởi đây cũng là lần đầu tiên mà các doanh nghiệp xã hội được chính danh đi trao đổi, chia sẻ với tất cả các cơ quan doanh nghiệp khác hay với chính trong cộng động doanh nghiệp xã hôi. Điều quan trọng ở đây là chúng tôi đã được xã hội công nhận mà không phải chịu những tiếng ì xèo là đội lốt doanh nghiệp để có lợi ích tư”.
Luật dành cho DNXH - "Đừng vì ném con chuột mà làm vỡ bình pha lê"
Do có nhiều đặc thù không giống với doanh nghiệp bình thường, nên những quy định dành cho doanh nghiệp xã hội cũng sẽ có nhiều điểm khác, đặc biệt là những quy định về vốn.
“Về hoạt động, doanh nghiệp xã hội không có gì khác với doanh nghiệp bình thường, không có những quy định riêng về hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, với sứ mệnh đặc thù thì nó có những quyền và nghĩa vụ riêng. Đầu tiên là họ có nghĩa vụ phải duy trì nhiệm vụ sứ mệnh mà họ đã đăng kí trong suốt thời kì tồn tại hoạt động. Nếu mất cái đó, thì không còn là doanh nghiệp xã hội nữa. Để đổi lại, doanh nghiệp xã hội có quyền được huy động tài trợ, không chỉ là các khoản đầu tư mà còn có cả vốn không hoàn lại từ Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp khác để bù đắp các chi phí hoạt động kinh doanh”, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, đồng thời cũng là chuyên gia phụ trách tham vấn sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này - ông Nguyễn Đình Cung phân tích.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho biết, những thay đổi về quyền và nghĩa vụ dành cho các doanh nghiệp xã hội được nêu ra trên đây đều dựa trên cơ sở bài toán chi phí hoạt động mà các doanh nghiệp này hiện phải đối mặt.
“Ngoài chi phí kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội còn phải gánh thêm chi phí xã hội. Đó là nguyên nhân mà những doanh nghiệp xã hội cần thời gian lâu hơn để sản sinh ra lợi nhuận và cũng gây khó khăn khi cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Theo đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách hợp lý để hỗ trợ phần chi phí thực tế mà các doanh nghiệp xã hội phải chi trả”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Mặt khác, trò chuyện trong chương trình, các vị khách mời đều nhất trí cho rằng việc thiết lập các chính sách cho loại hình doanh nghiệp xã hội cần được Nhà nước thực hiện một cách cẩn trọng, nhưng không vì vậy mà bỏ qua cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp có tiềm năng thực sự. Bởi suy cho cùng, một chính sách ngay từ đầu chỉ nghĩ tới việc ngăn cản thì không thể thành công, thay vào đó phải là những khuyến khích và thúc đẩy cho sự phát triển.
“Đừng vì ném con chuột mà làm vỡ bình pha lê. Doanh nghiệp xã hội ở đây là bình pha lê mà chúng ta đang có. Tất nhiên sẽ có những vấn đề này vấn đề kia nhưng đừng hành xử như câu nói trên”, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Theo đó, đánh giá việc thực hiện luật doanh nghiệp sửa đổi, bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng cho rằng, Việt Nam đang có những bước đi chính xác: “Hiện tại, trước hết chúng ta cần có một cái khung” - bà Oanh nhấn mạnh - “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam dù mới manh nha nhưng lại rất đa dạng, đến từ nhiều góc độ khác nhau nên khó mà có được một văn bản pháp luật có thể quy định chi tiết áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp xã hội như hiện nay”.
Với một quốc gia đang phát triển có quy mô dân số lớn như Việt Nam, có nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nơi đảm bảo an sinh xã hội luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu thì doanh nghiệp xã hội hoàn toàn có điều kiện phát triển tại Việt Nam.
Thực tế tại nhiều mô hình ở các địa phương đã cho thấy, doanh nghiệp xã hội đã làm công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho những nhóm yếu thế trong xã hội tốt hơn so với những gì mà chính quyền địa phương và các dự án nguồn ngân sách nhà nước hoặc dự án tổ chức phi Chính phủ đang triển khai.
Mời quý vị và các bạn tìm hiểu vấn đề Doanh nghiệp xã hội trong chương trình Đối thoại chính sách qua video dưới đây: