Nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Australia... Tuy nhiên, đáp ứng và duy trì tiêu chuẩn với các thị trường luôn là thách thức. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc BVTV.
Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, tập huấn cho nông dân cách sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng. Tại Sơn La - địa phương miền núi đã có những bứt phá trong xuất khẩu nông sản thời gian qua, việc sản xuất có trách nhiệm đã không còn là điều gì xa vời, mà trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.
Ở HTX Phương Nam (Yên Châu, Sơn La), găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ… đã trở thành những vật không thể thiếu khi phun thuốc BVTV. Sản xuất an toàn giúp năm 2018, nhãn của HTX này đã được cấp MSVT và xuất khẩu sang Australia, đem lại giá trị cao gấp 25% so với bán trong nước. Nhờ đó, các xã viên hiểu rằng, việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng là con đường tất yếu để nâng giá trị nông sản của mình.
Ở những nơi đã được cấp MSVT, có nông sản được xuất khẩu ý thức của nông dân đã thay đổi rất nhiều. Sản xuất an toàn không chỉ là nâng cao chất lượng cho nông sản mà bà con nông dân còn hiểu cần phải đảm bảo sức khỏe của chính người lao động.
Tại những vùng nông sản xuất khẩu, không còn cảnh vỏ thuốc vứt la liệt. Việc thu gom bao bì, vỏ thuốc BVTV vứt đi cũng trở thành thói quen.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 153 ha nhãn và 41 ha xoài được cấp MSVT. Bên cạnh việc mở rộng diện tích đăng ký MSVT, việc duy trì chất lượng tại vùng đã được cấp MSVT cũng rất quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!