Sẽ chi trả gần 1.000 tỷ đồng tiền tín chỉ carbon lúa

PV-Thứ tư, ngày 25/09/2024 12:25 GMT+7

VTV.vn - Việc giải ngân sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, có hiệu lực trong 12 tháng. Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ phê duyệt tài trợ bằng việc ký thỏa thuận chi trả tiền giảm

Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) cam kết tài trợ hơn 33 triệu USD, số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương hơn 990 tỷ đồng) cho việc chi trả tiền thí điểm tín chỉ carbon lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Việc giải ngân sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, có hiệu lực trong 12 tháng. Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ phê duyệt tài trợ bằng việc ký thỏa thuận chi trả tiền giảm phát thải. Bên cạnh đó, quỹ sẽ tài trợ 2 triệu USD để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện cam kết về giảm phát thải.

Hiện 12/13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có kế hoạch sản xuất theo đề án 1 triệu ha.

Trong tuần này, chuyên gia của Quỹ TCAF sẽ có các chuyến đi thực địa ở vùng sản xuất thí điểm để xem xét việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, trao đổi thống nhất phương pháp đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa để hình thành tín chỉ giảm phát thải carbon chuyển nhượng/trao đổi với Quỹ TCAF và sử dụng cho cam kết Quốc gia NDC...

Để thúc đẩy áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng sinh thái, hiệu quả bền vững, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tiến hành thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác "1 phải, 5 giảm" và giảm phát thải khí nhà kính. Và tháng 7 vừa qua, sau khi hoàn thành thu hoạch, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ được thưởng tiền mặt khi trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính theo gói canh tác "1 phải, 5 giảm".

Theo đó, có 30 hộ dân đạt mức giảm phát thải dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha và 8 hộ dân đạt mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha. Tổng số tiền thưởng các hộ dân nhận được là trên 20 triệu đồng. Mức thưởng này là nguồn động viên, khích lệ các nông dân trực tiếp tham gia canh tác lúa hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Các mô hình thí điểm trồng lúa phát thải thấp ở Cần Thơ đã hoàn thành thu hoạch sau hơn 3 tháng xuống giống. Đây là những mô hình thí điểm đầu tiên của đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI, tính toán việc giảm lượng lúa giống giúp tiết kiệm 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha so với 5,8-6,1 tấn/ha ở cách làm truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, theo ông Hùng, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận 1,3-6,2 triệu đồng/ha. Còn về giảm phát thải khí nhà kính, mô hình thí điểm cho kết quả giảm từ 2-6 tấn CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2) mỗi ha so với ruộng đối chứng...

TP Cần Thơ là 1 trong 12 địa phương tham gia ở ĐBSCL tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước