"Việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu". Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 2/8 tại Hà Nội.
Từ 2/8, Mỹ bắt đầu tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm, các lô hàng sau phải lấy mẫu phân tích dựa trên rất nhiều chỉ tiêu về kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là lần đầu tiên thị trường Mỹ thực hiện chính sách kiểm tra nghiêm ngặt đối với cá tra Việt Nam.
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng: "Đây chính là vấn đề cần phải được cảnh tỉnh vì uy tín thương hiệu của Việt Nam, của những sản phẩm của Việt Nam chứ không riêng gì con cá tra. Chúng ta phải đi đến mục tiêu cuối cùng là có những sản phẩm sạch cho người Việt Nam và cho thế giới, cho nên việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu đối với các thị trường có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt về kháng sinh".
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ về tài chính của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp quốc (FAO).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cụ thể để quản lý chặt chẽ thức ăn chứa kháng sinh. Theo đó, từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng, đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!