Trực tiếp tại quầy, qua Internet banking hay mobile banking, người tiêu dùng Việt hiện có nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ ngân hàng. Xu hướng bán hàng đa kênh này đã được các nhà băng theo đuổi cả chục năm nay và ngày càng đa đạng hóa sản phẩm, cùng sự lên ngôi của digital banking. Nhưng đã đến lúc, thay vì phát triển dàn trải, các ngân hàng bắt đầu tính đến chuyện hợp kênh, tạo sự thống nhất giữa các kênh bán hàng hay còn gọi là omni banking.
Một giao dịch ngân hàng trên điện thoại có thể được tiếp nối trên máy tính và kết thúc thông qua giao dịch viên tại quầy. Sự liên thông giữa các dịch vụ bắt đầu được ngân hàng này triển khai, sau khi đầu tư nhiều chục triệu USD xây dựng hệ thống và chuẩn bị về con người. Khách hàng thậm chí có thể hoàn thiện tới 90% thủ tục vay mà không cần tới ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng Việt khác cũng đang làm việc với nhà cung cấp, đặt vấn đề triển khai hệ thống bán hàng hợp kênh - omni chanel bởi đây là xu hướng đang được nhà băng tại các nước phát triển áp dụng.
Người dùng Việt tiếp cận công nghệ mới rất nhanh, nên việc tối ưu hóa giao dịch ngân hàng, tạo sự thuận lợi tối đa cho khách hàng là con đường các nhà băng buộc phải lựa chọn.
Các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư từ vài chục tới cả trăm triệu USD để theo đuổi định hướng ngân hàng số, từ việc triển khai một nền tảng cụ thể như Internetbanking hay những trung tâm xử lý dữ liệu tự động. 50% giao dịch tại quầy được kỳ vọng sẽ chuyển sang nền tảng số. Bài toán lớn nhất với các ngân hàng không chỉ là việc bỏ tiền đầu tư mà phải đào tạo, sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp với định hướng mới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!