Sau 3 tháng, chứng khoán vẫn "tắc đường", ai chịu trách nhiệm?

Thùy An-Thứ tư, ngày 10/03/2021 09:29 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng đặt dấu hỏi về trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng nghẽn lệnh của HOSE.

"Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?", ông Nguyễn Duy Hưng đặt câu hỏi trên Facebook cá nhân vào tối 9/3.

Sau 3 tháng, chứng khoán vẫn tắc đường, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng đặt dấu hỏi về trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng nghẽn lệnh của HOSE

Câu hỏi này được cho là đến sau buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với Công ty cổ phần FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Tại buổi làm việc, một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT đã được các bên liên quan phân tích, đánh giá và bàn giải pháp thực hiện. Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đề xuất này đã được Bộ Tài chính hoan nghênh và triển khai ngay thông qua việc phối hợp với FPT nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác và sự chủ động, trách nhiệm của FPT. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Bộ Tài chính sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Phương án khả dĩ nhất?

Cũng tại buổi làm việc, bên cạnh việc quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000. Nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.

Đáng chú ý trước đó, cũng trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này.

Sau 3 tháng, chứng khoán vẫn tắc đường, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng

Theo ông Hưng: "Đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động. Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư.

"Giống như cần trị bệnh phải uống thuốc thì mục tiêu chính là giảm bệnh và phải chấp nhận các phản ứng phụ của thuốc", ông Hưng nhấn mạnh.

Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều", ông Hưng nhấn mạnh.

Sau 3 tháng, chứng khoán vẫn tắc đường, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Sau phát biểu này, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 được áp dụng thì chứng khoán sẽ trở thành cuộc chơi của "người giàu". Bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ khó có thể tiếp cận được với những cổ phiếu bluechip, và sẽ phải chuyển hướng sang các cổ phiếu penny nhiều rủi ro.

Bên cạnh các nhà đầu tư, còn có lo ngại rằng đề xuất tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước