Trong 7 tháng đầu năm 2019, trung bình cứ mỗi tháng lại có 1 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cơ quan chức năng trong nước cũng đã tiến hành 10 vụ việc điều tra mới, thẩm định hồ sơ và theo dõi áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng loạt mặt hàng thuộc nhóm nhôm thép, ván gỗ MDF và nhựa nhập khẩu.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng diễn ra sáng 9/8.
Theo đại diện Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, hiện có khoảng 160 vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm tại các thị trường hàng đầu là Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, độ mở của nền kinh tế hiện đã đạt khoảng 210%, nguy cơ lẩn tránh, gian lận thương mại sẽ ngày càng gia tăng.
Nếu như năm 2018 có 13/37 nhóm hàng xuất khẩu có sản lượng tăng đột biến thì đến năm 2019 đã tăng lên 15/37 như xơ sợi dệt, sắt thép, thức ăn gia súc hay điện thoại, linh kiện... Đồng thời, sự tăng trưởng sản lượng đột biến cũng có sự trùng khớp với một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, nhiệm vụ đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại phải đến từ chính các doanh nghiệp, chứ không chỉ trông chờ vào cơ quan Nhà nước, đặc biệt đối với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhóm ngành thường xuyên xảy ra các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá hay chuyển tải đầu tư mới xuất hiện gần đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!