Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm nay. Theo đó, các lĩnh vực đều đạt kết quả khả quan như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, xuất khẩu tăng mạnh, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực, sản xuất công nghiệp tăng cao.
Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô 10 tháng qua là xuất, nhập khẩu khi đạt trên 647 tỷ USD với mức tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng mạnh đã giúp cả nước xuất siêu trên 23,3 tỷ USD. Hiện có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu
Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán SMART INVEST cho biết: "Doanh nghiệp dệt may được lợi đầu vào thấp, đầu ra đơn hàng được tăng nhờ một số thuận lợi của thị trường thế giới".
"Số liệu của các chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng, trong đó hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện mạnh mẽ trong vài tháng qua. Đó là lý do mà chúng tôi lạc quan về dự báo tăng trưởng GDP cuả Việt Nam có thể đạt trên 7% và đây sẽ là mức cao nhất trong khu vực ASEAN", ông Frederic Neumann - Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC đánh giá.
Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô 10 tháng qua là xuất, nhập khẩu khi đạt trên 647 tỷ USD với mức tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện đã giúp việc giải ngân nguồn vốn FDI từ đầu năm đến nay ước đạt gần 19,6 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ấn tượng khi đạt 8,3%.
Kiểm soát giá cả tốt đã giúp chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 3,78% và nằm trong mức kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Những khởi sắc này đã giúp tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, gần bằng dự toán thu cả năm.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Với xu hướng tích cực của các ngành các lĩnh vực đạt được trong 10 tháng qua sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng của cả năm có thể đạt mục tiêu phấn đấu của Chính phủ".
Một trong những điểm sáng nữa phải kể tới là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng qua đã tăng kỷ lục 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14,1 triệu lượt người. Những kết quả khả quan này là cơ sở vào kỳ vọng quy mô nền kinh tế năm sau có thể vượt mốc 500 tỷ USD, qua đó củng cố vị thế kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế Việt Nam: Vững vàng tăng trưởng VTV.vn - Năm 2024 đã đi qua 3/4 chặng đường, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!