Sản xuất tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng tốt

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 13/12/2024 09:15 GMT+7

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tận dụng đà tăng trưởng về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong quý cuối của năm để tăng tốc "về đích".

VTV.vn - Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trong 11 tháng đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và tăng đều 60/63 tỉnh thành là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng cao nhất trong 5 năm

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,7%.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Tính riêng trong tháng 11, các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đạt ngưỡng trên 50 điểm (50,8 điểm). Con số này cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi sau tác động nghiêm trọng của cơn bão số 3. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới duy trì đà tăng theo thông lệ cuối năm.

Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.

Đáng chú ý, trong 11 tháng, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 22,4%; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,0%; xăng dầu tăng 15,9%; đường kính tăng 14,8%; thép cán tăng 14,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; sữa bột tăng 11,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,0%; điện sản xuất tăng 10,0%; phân u rê tăng 9,0%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 17,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 14,0%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,0%; than đá (than sạch) giảm 5,3%; điện thoại di động giảm 4,2%; bia giảm 2,1%; alumin giảm 1,2%.

Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, từ đầu từ quý IV, cộng đồng doanh nghiệp đã quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, tận dụng đà tăng trưởng về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong quý cuối của năm để tăng tốc "về đích".

Đặc biệt, trong 11 tháng sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi trên diện rộng khi đạt mức tăng ở 60/63 địa phương. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao. 

Doanh nghiệp nỗ lực "về đích"

Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số tổ chức quốc tế và ngân hàng nước ngoài liên tiếp điều chỉnh dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 theo hướng tích cực hơn. Trong đó có khẳng định, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh vào tháng cuối cùng của năm 2024. Trao đổi nhanh với phóng viên VTV Times, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, từ đầu từ quý IV, cộng đồng doanh nghiệp đã quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, tận dụng đà tăng trưởng về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong quý cuối của năm để tăng tốc "về đích".

Sản xuất tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng tốt - Ảnh 3.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước sẽ tiếp tục tăng cao

"Nhu cầu trong nước và các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng mạnh để phục vụ tiêu dùng dịp lễ Tết, nhất là các nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản…Do đó, doanh nghiệp Việt tăng tốc sản xuất để phục vụ thị trường và và hoàn thành mục tiêu đặt ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 12", ông Nam nhấn mạnh.

Ở phía doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên VTV Times, ông Đoàn Mạnh Hưng – Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Hưng Hoàng (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, để thực hiện mục tiêu đề ra, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, từ nghiên cứu sản xuất mặt hàng mới, vừa thúc đẩy xúc tiến giới thiệu hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ. Từ nay đến hết năm, công ty tích cực tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng, các hội chợ, xúc tiến thương mại để hoàn thành mục tiêu. 

"Không chỉ cải tiến chất lượng sản phẩm, công ty chúng tôi còn khuyến khích sáng kiến trong việc nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí giúp chi phí sản xuất; tăng cường cải tiến phương pháp, quy trình, định mức để hạ giá thành với hệ thống giá bán cạnh tranh...", ông Hưng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sức cầu tiêu dùng phục hồi chậm và thời gian tới có xu hướng chậm dần sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng khẳng định sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là tập những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

Song song với đó, chú trọng âng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thông qua thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp hỗ trợ và có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp; thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại trong nước và tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước