Sẵn sàng phương án tiêu thụ, không để nông sản ùn ứ do dịch bệnh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/05/2021 06:26 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các bộ, ngành và các địa phương đã chủ động phương án tiêu thụ, giải tỏa nông sản không để ùn ứ.

Bắc Giang kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Hàng nghìn ha vải thiều mỗi ngày mỗi chín và sắp bước vào thu hoạch chính vụ, Bắc Giang vẫn liên tiếp phải tiến hành cách ly y tế 92 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện và giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang. Hàng trăm nghìn tấn nông sản của Bắc Giang đang bị nghẽn, khó lưu thông vì thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19.

Năm nay, Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản; 218 ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ và gần 15.000 ha xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sẵn sàng phương án tiêu thụ, không để nông sản ùn ứ do dịch bệnh - Ảnh 1.

Năm nay, Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hỗ trợ tỉnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.  Cho đến thời điểm này kế hoạch tiêu thụ được Bắc Giang lên theo 3 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch được kiểm soát, khoanh vùng hết, số ca mắc và các F1, F2 được kiểm soát chặt chẽ, thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu.

Kịch bản thứ hai: Nếu dịch COVID-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để, 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu

Kịch bản thứ ba: Nếu Bắc Giang không kiểm soát được dịch, 90% vải thiều được tiêu thụ trong nước và 10% sẽ xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp ký kết tiêu thụ vải sớm

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều theo phương án tỉnh Bắc Giang đã đề xuất. Đến nay công tác phòng chống dịch bệnh để đón các thương lái này đang được triển khai. Những thương nhân này phải cách ly đủ 21 ngày, không có ngoại lệ.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng sôi động tìm đến thị trường này từ sớm. Tại huyện Tân Yên - địa phương có diện tích vải sớm lớn nhất tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Từ ngày 20/5, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến để liên kết tiêu thụ vải thiều sang thị trường các nước.

Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu Toàn Cầu đã chủ động về tận vùng sản xuất của bà con trong mã vùng trồng vải sớm xã Phúc Hòa để phối hợp, đánh giá quy trình, chất lượng quả vải thiều trước khi xuất khẩu sang Nhật.

Sẵn sàng phương án tiêu thụ, không để nông sản ùn ứ do dịch bệnh - Ảnh 3.

Vụ vải năm nay, Bắc Giang sớm chủ động mời gọi các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều. Ảnh minh họa - Dân trí.

Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp cận vùng vải thiều sớm của huyện Tân Yên. Năm nay, chuỗi hệ thống các siêu thị Big C, Go, Go Market của tập đoàn dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng trên 700 tấn vải thiều cho tỉnh Bắc Giang.

Vụ vải năm nay, huyện Tân Yên sớm chủ động mời gọi các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều. Trong đó, có các doanh nghiệp tiêu thụ vải xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chủ động phòng dịch tại cửa khẩu

Tại những khu vực cửa khẩu, điểm đến của nông sản, hàng hóa sau khi được thu mua hiện cũng đã có những cách làm riêng để đảm bảo lưu thông. Tại thành phố Móng Cái, để thực hiện mức độ cao nhất các giải pháp phòng chống dịch bệnh, thành phố có chủ trương niêm phong cabin xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vào địa bàn.

Từ 00h00 ngày 18/5, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vào địa bàn thành phố Móng Cái được tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 kiểm soát.

Khi xe đến địa điểm xuất hàng theo đăng ký sẽ được cơ quan phòng chống dịch tại các cửa khẩu, điểm xuất hàng kiểm tra, nếu còn nguyên trạng sẽ cho phép lái xe xuống làm thủ tục cho phép giao nhận hàng hóa. 

Chỉ trong 2 ngày đầu thực hiện, đã có hàng nghìn lượt phương tiện được dán niêm phong cabin. Thành phố Móng Cái cũng quán triệt quan điểm: Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, Tổ công tác yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định, buộc cách ly tập trung 21 ngày và xét nghiệm COVID-19 tự trả phí; không cho tiếp tục chở hàng hóa vào địa bàn thành phố.

Đây là một trong những biện pháp rất sáng tạo và quyết liệt của thành phố Móng Cái nhằm kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh từ hoạt động vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa.

Sẵn sàng phương án tiêu thụ, không để nông sản ùn ứ do dịch bệnh - Ảnh 4.

Để thực hiện mức độ cao nhất các giải pháp phòng chống dịch bệnh, thành phố Móng Cái có chủ trương niêm phong cabin xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vào địa bàn.

Hiện nay hai vựa trồng vải lớn nhất ở miền Bắc là Hải Dương và Bắc Giang đều chung cảnh phải giãn cách một số nơi do dịch bệnh. Giãn cách nhưng không làm dòng chảy hàng hóa bị ngưng trệ, không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" luôn vấn đề nóng mỗi khi dịch quay lại.

Bước sang năm COVID thứ 2, các địa phương đã bớt phần lúng túng, thậm chí đã ứng phó chủ động hơn. Những bài học đắt giá trong quá khứ chỉ ra rằng: Muốn tiêu thụ được trước tiên hàng hóa phải lưu thông được. Sự tắc nghẽn trong lưu thông là đòn giáng mạnh nhất và cũng là cách nhanh nhất đẩy nông sản vào tình cảnh ế thừa, mất giá rồi lại giải cứu hoặc đổ bỏ.

Xung quanh vấn đề xúc tiến thương mại để đảm bảo lưu thông nông sản trong tình hình dịch bệnh, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 21/5 với sự tham gia của ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước