Các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters dự báo, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức trung bình 3,1% trong năm nay, tăng mạnh so với các dự báo được đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng năm 2025 được dự báo đạt 3%. Sự vững vàng của kinh tế Mỹ, cùng với việc các ngân hàng Trung ương lớn dần nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát đang dần hướng về mức mục tiêu là những yếu tố giúp cho nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng khi các quy tắc hiện hành về thương mại có thể sẽ được điều chỉnh.
Mặc dù đầu năm nay có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp rắc rối do ảnh hưởng của lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm, nhưng khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục gây bất ngờ cho các nhà kinh tế và thị trường.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ đạt trung bình 2,6% trong năm nay và 1,9% vào năm 2025. Nền kinh tế Mỹ không chỉ vượt trội so với tất cả các nước G10 khác mà còn tăng trưởng với tốc độ gần gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế vào đầu năm. Thị trường chứng khoán của Mỹ đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, một phần nhờ dòng tiền chảy vào từ nước ngoài.
Các điểm sáng khác gồm có Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và khả năng phục hồi mạnh mẽ của một số nước trong khu vực châu Á. Nền kinh tế Nhật Bản gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, cho phép Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) bắt đầu cân nhắc việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Chính sách siêu nới lỏng, bao gồm lãi suất cực thấp và mua tài sản quy mô lớn, đã được BoJ duy trì trong thời gian dài để kích thích nền kinh tế. Việc "thoát ra" khỏi chính sách này có nghĩa là BoJ sẽ dần dần tăng lãi suất và giảm bớt các biện pháp kích thích khác.
Ngay cả nền kinh tế đang gặp khó khăn của Argentina cũng sẽ phục hồi trong năm tới. Tuy nhiên, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã đưa ra các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ và một gói kích thích tài khóa dự kiến lên tới 1.400 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ.
Đối với hầu hết các nền kinh tế thế giới có lãi suất đang giảm, cuộc khảo sát nhận thấy rằng lãi suất có nhiều khả năng sẽ giảm xuống thấp hơn thay vì tăng lên, điều này càng củng cố thêm triển vọng toàn cầu vững chắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!