Chiều 9/10, Bộ Công Thương đã tổ chức gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP đã trả lời các nhà báo nhiều vấn đề nhạy cảm nêu trong hiệp định này.
Lao động là vấn đề được nhiều báo chí quan tâm đặt câu hỏi. Theo đó, có phóng viên đã nêu câu hỏi: Một số nội dung đàm phán về lao động trong TPP được cho là khá khó khăn. Chẳng hạn, như việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các điều kiện lao động theo cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP. Trả lời vấn đền này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, vấn đề về lao động được đàm phán trên cơ sở 3 nguyên tắc: chia sẻ mục đích, tôn trọng thể chế chính trị của các nước thành viên TPP, cùng nhau thiết kế một chương trình để bảo đảm các nước đều tuân thủ các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
Liên quan đến DNNN, gần đây, nhiều báo chí đưa thông tin về việc các DNNN phải công khai tài chính và các giao dịch của mình khi tham gia TPP. Thứ trưởng khẳng định đây là điều không đúng. Chỉ khi nào có các biểu hiện cho thấy có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách quá mức, gây tác động tiêu cực đến đầu tư và thương mại của các bên thì DNNN khi đó mới được yêu cầu cung cấp thông tin cho Chính phủ.
Tại họp báo, các vấn đề khác như các tiêu chuẩn bảo hộ trong dược phẩm, cơ chế giải quyết tranh chấp cũng đã được ông Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thẳng thắn trả lời.
Ông Trần Quốc Khánh cũng cho biết, quy trình thông qua hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước. Thời gian phải mất từ 18 tháng tới 2 năm và thậm chí rủi ro cũng có thể xảy ra nếu có Quốc hội một vài nước lớn không thông qua thì TPP cũng sẽ không thể có hiệu lực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.