Quốc hữu hóa ngành đường sắt gây tranh cãi ở Anh

Phương Huyền (PV Đài THVN thường trú tại Anh)-Thứ sáu, ngày 16/08/2019 16:23 GMT+7

VTV.vn - Nhiều tranh cãi nổ ra quanh cách quản lý và vận hành đường sắt ở Anh, đặc biệt là lời kêu gọi từ Công đảng đối lập khi yêu cầu quốc hữu hóa trở lại ngành đường sắt.

Với việc chi phí di chuyển bằng đường sắt tiếp tục tăng hơn 3% từ đầu năm nay, câu chuyện giá vé tàu lại trở thành đề tài nóng của năm 2019. Đáng kể nhất là lời kêu gọi quốc hữu hóa ngành đường sắt của Công đảng, ý kiến nhận không ít ủng hộ từ những người đi tàu cảm thấy mức giá hiện tại phải trả là không xứng đáng.

Lập luận của đảng này dựa trên số liệu khá cụ thể. Tờ Independent trích dẫn, từ khi đường sắt Anh được cổ phần hóa vào năm 1993 đến nay, giá vé đã tăng hơn 200 lần so với trước ở nhiều chặng di chuyển, chi phí người dân bỏ ra cho đi lại bằng tàu tăng đến 5 tỷ Bảng. Công đảng kết luận, 25 năm cổ phần hóa ngành đường sắt của Anh là một sai lầm, khi người đóng thuế lại phải chi nhiều tiền hơn so với hệ thống đường sắt thuộc sở hữu nhà nước trước đây.

Đảng Bảo thủ cầm quyền bác bỏ lập luận này, cho rằng tư nhân hóa giúp cải thiện chất lượng dịch vụ đường sắt cho người dân, điều khó đo được cụ thể bằng tiền. Chính phủ Anh cho rằng việc đưa ngành đường sắt trở lại thành tài sản sở hữu nhà nước là giải pháp mang tính lý thuyết, dẫn đến kéo lùi chất lượng dịch vụ và sự lựa chọn của người dân.

Một tiêu đề khác trên BBC phân tích cụ thể hơn về sở hữu trong hệ thống đường sắt Anh. Theo bài báo, dù gọi là cổ phần hóa, nhưng trên thực tế 3/4 hoạt động của đường sắt vẫn thuộc sở hữu công, là hệ thống đường ray, hệ thống đèn báo và các ga tàu lớn. Các phần hạ tầng này thuộc một tổ chức phi lợi nhuận, mà hiện tại khối nợ của tổ chức này được tính vào nợ công quốc gia, còn tiền hoạt động là từ ngân sách. Năm 2018, ngân sách Anh vẫn phải chi 3,3 tỷ Bảng cho đường sắt. Phần tư nhân duy nhất trong hệ thống đường sắt Anh là các công ty vận hành tàu.

Tờ Independent lại chỉ ra chi tiết thú vị khi gần như tất cả các doanh nghiệp vận hành tàu hiện nay tại Anh lại là công ty con của các tập đoàn quốc doanh, nhưng mà của nước ngoài. Lấy ví dụ, công ty Pháp Goviva vận hành 4 đường tàu, Arriva có vốn từ Đức vận hành 5 đường, cùng với 2 công ty lớn khác có vốn chính phủ Italia và Hà Lan. Không ít ý kiến ở Anh phản đối hiện tượng này. Một nghiệp đoàn Anh cho rằng, với mức phí hiện tại, người dân đang trợ giá cho các doanh nghiệp vận hành tàu. Họ càng không hài lòng hơn do: một là với hệ thống vận hành chỉ gồm một vài công ty mẹ, sẽ thiếu cạnh tranh về chất lượng; hai là, nguồn thu lại đang đổ về các tập đoàn quốc doanh của nước ngoài.

Về lý do tại sao giá vé lại cao, tờ The Week trích dẫn nhiều nguyên nhân dựa trên các ý kiến trong ngành. Nghiệp đoàn đường sắt, tàu biển và giao thông Anh cho rằng, đây là kết quả của một hệ thống chồng chéo trong quản lý và khai thác lợi nhuận. Ý kiến khác cho rằng, chính phủ Anh không phân bổ đầu tư ngân sách cân bằng giữa các vùng, khi ưu đãi quá nhiều cho hệ thống đường sắt kết nối từ London mà thiếu quan tâm các khu vực còn lại.

Dịch vụ đường sắt tại London, Anh bị rối loạn do nắng nóng Dịch vụ đường sắt tại London, Anh bị rối loạn do nắng nóng

VTV.vn - Nhiệt độ tại London ngày 26/7 đã lên tới 37,7 độ C, ảnh hưởng tới 20 trong số 26 công ty khai thác đường sắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước