Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hậu đại dịch.
Các đại biểu cho rằng, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng những bất ổn của tình hình thế giới đã ảnh hưởng lớn đến các biện pháp đã đề ra, nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
"Tôi rất trân trọng những thành quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy nền kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, với tốc độ tăng trưởng cao hầu hết trên tất cả các lĩnh vực cho thấy các giải pháp kích cầu của Chính phủ đã thực sự phát huy tác dụng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình của đất nước sau đại dịch", bà Trần Hoa Ri, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
"Những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhất là ngoại giao vaccine, tiêm chủng toàn dân và mở cửa nền kinh tế đúng lúc, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đẩy lùi, nền kinh tế được phục hồi và phát triển tốt. Những kết quả đạt được trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đã khẳng định sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được nhân dân, cử tri cả nước đánh giá rất cao, tin tưởng nền kinh tế nước ta từ nay sẽ rất thuận lợi và phát triển", Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nhận định.
"Điều đáng mừng là có trên 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tăng GDP hơn 5%, thu ngân sách cao hơn cùng kỳ, nợ công ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế, đời sống, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng vọt làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo thiếu bền vững. Thu từ sử dụng đất tăng cao, đây là nguồn thu bất ổn định", ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
"Thu ngân sách đạt 1.568.000, trong đó tiền đất thu được trên cả nước là 185.000 tỷ, chiếm 11% tổng thu ngân sách. Điều đó cho thấy năng lực, sản xuất kinh doanh của chúng ta vẫn tốt. Trong số vượt thu, 55% cũng từ sản xuất kinh doanh. Đối với xăng dầu, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp chúng tôi sẽ cân nhắc báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Thường vụ Quốc hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.
Nỗ lực triển khai chính sách phục hồi kinh tế
Cũng tại phiên thảo luận toàn thể sáng nay, cùng với đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần sớm triển khai các nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế, bởi chậm là sẽ đánh mất cơ hội cho phát triển.
"Gần nửa năm trôi qua, các văn bản vẫn chưa được ban hành. Nghị quyết 43 của Quốc hội có hiệu lực thi hành trong 2 năm 2022 - 2023, tính thời điểm của nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chậm trễ trong triển khai, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả cao nhất. Tôi đề nghị đưa chỉ tiêu hết năm 2022 phải hoàn thành ít nhất 50% khối lượng công việc đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, kiến nghị.
"Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả kết quả thực hiện. Thực tế chúng ta đã có ý tưởng tốt, ý tưởng đúng nhưng cái yếu và hạn chế vẫn là tổ chức triển khai thực hiện. Thực tế tôi xem thì thấy khối lượng công việc của Nghị quyết 43 của Quốc hội rất lớn, thời gian thực hiện không dài nên cần khẩn trương và có tiến độ cụ thể", ông Lê Minh Trí, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
"Về triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, báo cáo Quốc hôi, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã hết sức tập trung chỉ đạo, trong đó có 3 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng đã ban hành được 11/14 văn bản theo kế hoạch của Nghị quyết. Báo cáo Quốc hội, sau khi Nghị quyết 43 ra đời, 18 ngày sau, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 15. Nghị định này giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 từ 10% xuống 8%. Thứ hai, 38.400 tỷ là chính sách tín dụng, hiện nay có 5 chương trình, cơ bản cơ chế chính sách đã xây dựng xong", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!