“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”: Cơ chế tài chính của Việt Nam trong ứng phó COVID-19

Vân Anh (t/h)-Thứ năm, ngày 17/09/2020 15:22 GMT+7

Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc ứng phó với dịch COVID-19. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Bộ Tài Chính Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và cơ chế tài chính ứng phó với dịch COVID-19 tại Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Y tế và Tài chính, do ADB tổ chức.

Sáng nay (17/9), Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Y tế và Tài chính thường niên do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội nghị, đại diện ADB đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và các nước rất mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng của cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực.

Khi chia sẻ về cơ chế tài chính của Việt Nam để ứng phó với đại dịch trong bối cảnh nguồn thu Chính phủ giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Việt Nam cần coi trọng y tế dự phòng và ưu tiên ngân sách cho phòng bệnh.

Theo đó, Việt Nam bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước, trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng; thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách Nhà nước bảo đảm là chủ yếu, với sự tham gia của bảo hiểm y tế; cùng với đó, phát huy tối đa các nguồn lực tại chỗ, song song với huy động vai trò xã hội.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”: Cơ chế tài chính của Việt Nam trong ứng phó COVID-19 - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Việt Nam kiên trì thực hiện “mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội; từ đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tiền và vật tư, thiết bị với tổng trị giá trên 100 triệu USD. Các giải pháp hỗ trợ kinh tế cũng được thực hiện đồng bộ, như: gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; miễn, giãn, hoãn các loại thuế phí và vẫn luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng dừng thực hiện giải pháp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa, trong đó có lĩnh vực y tế; cùng với đó, chủ động dự phòng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Y tế và Tài chính các nước với những thế mạnh của mình tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực y tế dự phòng, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm điều trị, nghiên cứu, sản xuất vaccine và thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng bền vững.

Hội nghị này được ADB tổ chức hàng năm với các Bộ trưởng và các khách mời cấp cao. Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về cách ứng phó với dịch COVID-19 từ góc độ y tế và tài chính, cũng như thảo luận về các cách thức để tăng khả năng phục hồi bằng cách tăng cường bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Động lực kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 Động lực kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch COVID-19

VTV.vn - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 nhờ phần lớn vào tốc độ cải cách cơ cấu và các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước