Đêm 13/11, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với một dự thảo thỏa thuận Brexit sau hơn 2 năm đàm phán kể từ khi Anh tiến hành trưng cầu dân ý về việc rời khỏi khối này. Cuộc họp nội các của chính phủ Anh về dự thảo này dự kiến bắt đầu vào tối nay theo giờ Việt Nam.
Trong phiên giao dịch sáng 14/11, ngay trước thềm cuộc họp nội các, đồng Bảng Anh lại quay đầu giảm giá, dưới mức 1,3 USD đổi 1 Bảng Anh. Mặc dù trước đó, đồng tiền này đã tăng ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Financial Times bình luận, chừng nào mà các thỏa thuận Brexit còn trong tình trạng nâng lên đặt xuống, giá trị đồng Bảng Anh còn trồi sụt thất thường.
Ông John Wraith, nhà kinh tế trưởng về kinh tế vĩ mô của Anh, Ngân hàng UBS cho rằng: "Càng gần tới thời điểm chốt thỏa thuận, đồng Bảng Anh sẽ càng bị rung lắc mạnh hơn. Rất nhiều vấn đề giữa Anh và EU thậm chí sẽ không thể giải quyết kịp trước thời điểm Brexit mà phải đợi tới giai đoạn chuyển tiếp".
Thị trường chứng khoán châu Âu sáng 14/11 cũng chứng kiến sự sụt giảm của các chỉ số chính xuống đáy 2 tuần. Ngoại trừ chỉ số FTSE, còn lại DAX của Đức, CAC của Pháp và BEL20 của Bỉ đều giảm gần 1%. Chỉ số toàn châu Âu Stoxx 600 giảm 0,67% điểm, với hầu hết các lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ.
Các nhà đầu tư đặc biệt chú ý tới cuộc chiến ngân sách giữa Italy và EU. Italy vừa từ chối không xem xét lại kế hoạch chi tiêu ngân sách 2019 của mình, bất chấp đề xuất của EU. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm gia tăng nợ công của Italy, hiện đã ở mức tương đương 131% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Italy hiện lại có mức nợ công cao thứ hai trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất.
Giới phân tích cho rằng kế hoạch ngân sách này có thể gây mâu thuẫn giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ dân túy của Italy có thể cáo buộc EU đã can thiệp quá sâu vào vấn đề nội bộ của Italy.
Ông Yanis Varoufakis, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết: "Phó Thủ tướng Salvini của Italy, nhân vật rất quyền lực trong chính phủ Italy lúc này, là một người theo chủ nghĩa độc lập khỏi Eurozone. Ông ấy luôn muốn Italy ra khỏi EU. Vậy nên những hành động của EU lúc này, can thiệp vào nội bộ Italy, sẽ đẩy kịch bản ấy gần hơn với hiện thực".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!