Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đưa ra nhận định rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt mức đỉnh trong năm 2017 và sẽ tăng ở mức khiêm tốn trong năm nay, với triển vọng của hầu hết các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều điều chỉnh đi xuống.
Báo cáo "OECD Interim Economic Assessment" mới công bố của OECD đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay và năm tới, giảm lần lượt 0,1 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Năm. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới đã trở nên kém đồng đều hơn so với nửa cuối năm 2017, với triển vọng tăng trưởng ở các thị trường mới nổi cũng yếu hơn, nhất là những nền kinh tế đang đối mặt với áp lực từ thị trường tài chính và những bất ổn xung quanh tiến trình cải cách trong tương lai.
Báo cáo của OECD cũng cho rằng giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang, hoạt động thương mại trên toàn cầu đã tăng chậm lại. Cụ thể, mức tăng về khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 3% trong nửa đầu năm 2018, thấp hơn so với mức 5% cùng kỳ năm 2017. Các biện pháp hạn chế thương mại gần đây đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong dòng chảy thương mại và giá cả trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Theo OECD, căng thẳng thương mại gia tăng sẽ có tác động tiêu cực đến đầu tư toàn cầu, công ăn việc làm và mức sống của người dân.
Ấn Độ được coi là nền kinh tế có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất G20, với GDP của nước này được điều chỉnh tăng 0,2 điểm lên 7,6% trong tài khóa 2018 nhưng giảm nhẹ 0,1 điểm xuống 7,4% trong tài khóa 2019. Giá dầu tăng cao cùng những điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình. Song OECD cho hay những cải cách trong quá khứ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu cho quốc gia này.
OECD dự báo GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018, trước khi giảm xuống 2,7% vào năm tới, với quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ từng bước dự kiến sẽ tiếp diễn. Trong khi đó, việc giảm thuế và tăng chi tiêu công đang tạo ra lực đẩy ngắn hạn cho nhu cầu trong nước, bên cạnh động lực từ thị trường việc làm vững ổn và sản lượng dầu cao kỷ lục. Tuy nhiên, việc Washington áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, cùng với sự không chắc chắn về các chính sách của nước này trong tương lai, có khả năng khiến đầu tư chỉ tăng ở mức vừa phải.
Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2018 và 1,9% năm tới, đều giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Chính sách tiền tệ phù hợp, chính sách tài khóa mở rộng ơ mức nhẹ, thị trường việc làm và điều kiện tài chính thuận lợi giúp củng cố nhu cầu nội địa trong khu vực này.
Tăng trưởng GDP của Vương quốc Anh được dự báo vẫn sẽ ở mức khiêm tốn và đạt khoảng 1,3% trong năm nay. Chi tiêu hộ gia đình tại nước này tiếp tục bị hạn chế bởi thu nhập thực tế tăng khá yếu, bất chấp thị trường lao động đã thắt chặt. Trong khi đó, đầu tư kinh doanh cũng yếu đi do những bất ổn về mối quan hệ tương lai giữa nước Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Với Trung Quốc, OECD vẫn giữa nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nước này là 6,7% năm 2018 và 6,4% năm tới. Theo OECD, những tác động từ căng thẳng thương mại lên nền kinh tế thứ hai thế giới cho đến nay đều khá hạn chế, với với sự yếu đi của đồng nhân dân tệ (NDT) đã giúp làm giảm ảnh hưởng của biện pháp thuế quan từ Mỹ.
OECD dự báo Hàn Quốc và Australia (Ôx-trây-li-a) vẫn sẽ ghi nhận nhu cầu trong nước tăng khá mạnh mẽ, bất chấp những bất ổn do căng thẳng thương mại trên toàn cầu và khu vực đang tăng lên. GDP tại Australia dự báo tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2018 và 2019, nhờ hoạt động đầu tư mạnh và nỗ lực kiến tạo việc làm ổn định. Với Hàn Quốc, chính sách nới lỏng tài chính có thể tiếp tục thúc đẩy thu nhập và chi tiêu hộ gia đình, và tốc độ tăng trưởng GDP của nước này ước vào khoảng 2% trong năm nay và năm tiếp theo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!