“Nóng” xử lý nợ xấu bất động sản

Hoà An-Thứ bảy, ngày 08/12/2012 10:01 GMT+7

Các chuyên gia lo ngại rằng, con số nợ xấu bất động sản còn cao hơn rất nhiều. Hình minh họa

Nợ xấu bất động sản lớn và ngày càng tăng cao không chỉ là mối lo cho hệ thống ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cả nền kinh tế.

Gần đây, việc xử lý nợ xấu bất động sản đang là vấn đề nóng trên thị trường. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản khi trước đây, giá bất động sản đã bị đẩy lên cao so với giá trị thực và hàng tồn kho bất động sản quá nhiều do quá trình cả xã hội đua nhau đầu tư vào bất động sản.

Tính đến cuối tháng 8/2012, dư nợ tín dụng bất động sản là khoảng 203.000 tỷ đồng, nếu tính dư nợ liên quan đến bất động sản như cho vay kinh doanh bất động sản, vay thế chấp bất động sản… thì con số rất lớn (khoảng 1 triệu tỷ đồng), tương đương khoảng 57% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Điều đó cho thấy, dư nợ liên quan đến bất động sản tại hệ thống các tổ chức tín dụng đang rất lớn và nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 12% dư nợ. Đây là mối lo không chỉ cho lĩnh vực bất động sản, mà cho toàn bộ nền kinh tế vĩ mô. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra yêu cầu các ngân hàng phải công khai khoản nợ xấu của mình trước quý 1 năm 2013.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chuyên gia kinh tế nhận định: “Doanh nghiệp hiện nay đang không đủ khả năng vay vốn, như thế tất nhiên sẽ phải co hẹp sản xuất, dẫn đến công nhân mất việc làm. Doanh nghiệp đã có nợ xấu nên ngân hàng không thể cho vay thêm được, nên mất thanh khoản”.

Như vậy có thể thấy việc giải quyết nợ xấu là rất cấp bách, nhưng việc này không đơn giản khi mà rất nhiều các tài sản thế chấp tại ngân hàng là bất động sản - mà bất động sản lại đang đóng băng như hiện nay. Như vậy, việc giải quyết nợ xấu đồng nghĩa với giải quyết hàng tồn kho bất động sản, mà điều này không đơn giản khi hàng tồn kho rất nhiều ở mảng cao cấp, không phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhiều thành viên trên thị trường cho rằng, để giải quyết nợ xấu phải có các giải pháp tổng thể như việc thành lập công ty mua bán nợ, tuy nhiên giải pháp các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách giảm giá là trước mắt và thiết yếu.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Đức kiến nghị: “Chúng ta phải có những giải pháp như lập công ty mua bán nợ, tham gia công ty này cũng không thể lỗ được và đặc biệt theo quy luật tất yếu của thị trường, các doanh nghiệp phải giảm giá thì mới giải quyết hàng tồn kho, mới tồn tại được”.

Việc thành lập công ty mua bán nợ có vẻ như đã trở nên cấp bách. Việc này quốc tế cũng đã làm, chúng ta cũng đã từng làm nhưng còn nhỏ lẻ. Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc chúng ta phải có một công ty mua bán nợ tầm quốc gia với nhiều thành phần tham gia và nguồn vốn cũng lấy từ nhiều nguồn.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chuyên gia kinh tế nói: “Nguồn vốn sẽ có một phần của Nhà nước, nhưng không phải lấy từ ngân sách, mà có thể cho các công ty phát hành trái phiếu, sau đó thu lại… rồi vốn huy động từ các ngân hàng thương mại, vốn huy động từ nước ngoài.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước