Nông sản Việt đắt khách tại Đông Nam Á

Hoàng Anh-Thứ hai, ngày 19/06/2023 14:02 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, nửa cuối 2023 sẽ là khoảng thời gian triển vọng cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là cà phê, rau quả, lúa gạo.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Á ghi nhận mức tăng trưởng hơn 8%, trong đó thị trường ASEAN tăng đến 27% so với cùng kỳ 2022.

5 tháng đầu năm, Indonesia nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính toàn khu vực ASEAN, gạo đạt mức tăng trưởng 54% so với cùng kỳ. Những mặt hàng nông sản khác như cà phê hay rau quả cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số.

"Các bộ, ngành, cơ quan, Chính phủ đều tập trung xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp và các chuỗi liên kết cũng rất ý thức xây dựng thương hiệu. Đó là một trong những nền tảng căn cơ để gạo Việt Nam và một số nông sản có uy tín hơn trên thị trường", bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, cho biết.

Nông sản Việt đắt khách tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

"Dù biến đổi khí hậu làm thay đổi rất nhiều nhưng Đồng bằng sông Cửu Long một năm vẫn sản xuất 2 vụ lúa. Vấn đề cung cấp lương thực trên thế giới đang bị đứt gãy rất nhiều chuỗi do vấn đề thiếu lương thực. Đây chính là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá.

Các chuyên gia nhận định, thời gian vừa qua, các nước Đông Nam Á gia tăng nhập khẩu nông sản Việt Nam là do tình trạng hạn hán kéo dài, bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Ngành công thương phối hợp với ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết không ổn định.

"Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệp hội lương thực và doanh nghiệp để dự đoán yếu tố tác động của thời tiết bất lợi và ảnh hưởng của nó đến thu hoạch chế biến trong nước, từ đó xây dựng các phương án để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời khai thác có hiệu quả nhất các thị trường đang có nhu cầu lớn sản phẩm gạo Việt Nam", ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương, thông tin.

Bộ Công Thương dự báo, các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới sẽ còn gia tăng nhập khẩu nông sản Việt trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần một mặt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đóng gói của nước bạn để đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, một mặt tính toán cân đối để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản Mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản

VTV.vn - Nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước