Nông sản của Tuyên Quang đã xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu

PV-Thứ sáu, ngày 11/10/2024 20:44 GMT+7

VTV.vn - Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà túi lọc đậu đen xanh lòng, siro chanh và siro tắc là 6 sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang xuất khẩu sang Châu Âu.

Ngày 11/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phối hợp UBND huyện Yên Sơn và doanh nghiệp đã tổ chức lễ xuất hàng (đợt 1) các sản phẩm OCOP sang thị trường Vương quốc Anh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang xuất khẩu nông sản ra thị trường Châu Âu.

Nông sản của Tuyên Quang đã xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng tại Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản Tuyên Quang sang thị trường Vương quốc Anh (đợt 1) năm 2024.

Theo đó, 6 sản phẩm OCOP sẽ được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh trong đợt 1 năm 2024 gồm: Sản phẩm trà ổi, sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh, huyện Yên Sơn; Sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên, huyện Yên Sơn; Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa ; Sản phẩm siro chanh và siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo, huyện Hàm Yên.

Nông sản của Tuyên Quang đã xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi lễ.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đóng hàng theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Vương Quốc Anh. Tổng số lượng tương ứng là 2.200 hộp/chai sản phẩm.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang. Đơn vị đã thực hiện giới thiệu, chào hàng trên 50 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng Châu Âu. Trong đợt 1, đơn vị lựa chọn xuất khẩu 6 mặt hàng. Đối với sản phẩm bưởi Soi Hà, đơn vị đã đặt hàng 10.000 – 15.000 quả bưởi da xanh theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Dự kiến tháng cuối tháng 10/2024 sẽ tiến hành xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, các sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang, đã được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.

Tuy tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong đợt 1 năm 2024 chưa cao nhưng có thể nói đây là kết quả bước đầu để đưa sản phẩm nông sản đặc sản chủ lực của tỉnh vươn xa ra nước ngoài. Đó là một thành công lớn của tỉnh Tuyên Quang nói chung và của huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hoá nói riêng về hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu và được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp; sự hướng dẫn, quan tâm của doanh nghiệp.

Có thể nói đến nay, ngành nông nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản giúp cho người dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu và thuyết phục được lòng tin của người tiêu dùng Châu Âu.

Để phát huy kết qua đã đạt được, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao số lượng, giá trị hàng hoá, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp, biện pháp để hỗ trợ người sản xuất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển thương hiệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, GLOBAl GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

Nông sản của Tuyên Quang đã xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu - Ảnh 3.

Chuyến xe vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh Tuyên Quang đưa đi xuất khẩu.

Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản: giới thiệu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; kết nối đưa các sản phẩm tại các trung tâm thương mại, các siêu thị và lên sản giao dịch thương mại điện tử...

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 189 sản phẩm 3 sao, 31 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Địa phương đã xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; có 107 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước