Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay.
Từng nổi danh trong ngành mía đường, nhưng 2 năm trở lại đây, Công ty Cổ phẩn Mía đường Lam Sơn thay vì dồn toàn bộ nguồn lực với cây mía theo phương thức truyền thống, doanh nghiệp này đang đầu tư vào trồng dưa, hoa lan, và cả mía theo mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại của các nước tiên tiến.
Được biết, Trung tâm nuôi cấy mô của Công ty Cổ phẩn Mía đường Lam Sơn được đầu tư xây dựng cách đây hơn 1 năm với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ để cung cấp nguồn cây giống sạch bệnh.
Tại đây, chỉ cần 3 công nhân làm việc trực tiếp trong mỗi gian, quy trình kỹ thuật đã được thiết kế sẵn, quạt thông gió liên tục được bật để duy trì nhiệt độ, độ ẩm ở mức tiêu chuẩn, phân bón hòa tan vào nước và tưới theo hệ thống tưới nhỏ giọt. Những trái dưa, hoa lan và hoa ly... đều được trồng trong hơn chục hecta nhà kính theo công nghệ Isarel. Nhờ vậy, cây trồng ít bị sâu bệnh, chất lượng ổn định, năng suất cây trồng đã tăng gần gấp đôi. Hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao đã dần sáng rõ.
Công nghệ cao không chỉ bó hẹp trong khu nhà kính, nó cũng được áp dụng trong quy trình khép kín với cây mía đường truyền thống, thế mạnh từ lâu của doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV24, từ 3 - 3,5 triệu cây mía giống mỗi năm có thể được sản xuất từ trung tâm nuôi cấy theo mô này. Với lượng cây giống như vậy, nó đủ đáp ứng cho hơn 30.000 ha trồng mía trên toàn tỉnh Thanh Hóa với năng suất có thể tăng lên đến 1,5 lần.
Có thể thấy, áp dụng mô hình đầu tư công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!