Nội tại ngành mía đường Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu

Lã Linh - Tiến Vũ (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 06/12/2017 11:40 GMT+7

VTV.vn - Từ nhiều năm nay, mặc dù được Nhà nước quan tâm cả về sản xuất và tiêu thụ, nhưng nội tại ngành mía đường Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu.

Khởi động từ năm 1995, chương trình mía đường được xem là bước khởi đầu của tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Sau 22 năm phát triển và trưởng thành, ngành mía đường Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc, đóng góp 0,5% GDP của cả nước, với giá trị 975 triệu USD. Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây, mặc dù được Nhà nước quan tâm cả về sản xuất và tiêu thụ nhưng nội tại ngành mía đường Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kết thúc niên vụ 2016 - 2017, sản lượng đường trong nước đạt 1.227 triệu tấn, thấp hơn niên vụ 2014-2015 là 190 triệu tấn. Đây là niên vụ thứ 3 liên tiếp sản lượng đường sụt giảm.

Việt Nam hiện có 41 nhà máy đường với tổng công suất 150.000 tấn mía mỗi ngày, diện tích mía cả nước gần 300.000 ha với năng suất 64,5 tấn/ha. So với năng suất mía bình quân thế giới thì năng suất mía Việt Nam thấp hơn 9,2%. Do biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn kết hợp với sự không ổn định trong giá thu mua nguyên liệu mía đã khiến nhiều hộ nông dân trồng mía không yên tâm sản xuất, dẫn đến sản lượng, năng suất mía bình quân thấp.

Không chỉ khó khăn về đầu vào, ngành công nghiệp chế biến mía đường còn phải đối mặt với khó khăn trong đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Trong vài năm gần đây, nhất là từ cuối tháng 12/2016 đến nay, tình hình tiêu thụ đường của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam khá chậm. Lượng đường tồn kho cả nước hiện đã ở mức trên 717.000 tấn.

Ghi nhận mới nhất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngày 17/11, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 13.200-14.000 đồng/kg, thế nhưng giá đường Thái Lan nhập lậu ở Cửa khẩu Lao Bảo và biên giới Tây Nam chỉ có 12.000 đồng/kg. Sự chênh lệch về giá đường trong nước và giá đường nhập lậu đã khiến các doanh nghiệp và thương nhân thu mua đường không mua đường trong nước, làm trữ đường tồn kho cao, khó khăn cho cả nông dân và các nhà máy sản xuất mía đường.

Để hiểu rõ hơn về nội tại ngành mía đường cũng như nhu cầu tái cấu trúc toàn ngành trước xu thế hội nhập, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của phóng viên THVN với ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước