Nỗ lực bám sát tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 01/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cao tốc trục dọc Bắc - Nam và hàng loạt cao tốc trục ngang đang được khẩn trương thi công.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần vào cuộc rốt ráo của các Bộ, ngành, địa phương, các dự án giao thông trọng điểm đang nỗ lực bám sát tiến độ, giải ngân kịp thời, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Thời điểm này, từ Bắc Trung Bộ kéo dài đến tận đất mũi Cà Mau, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đều đang hối hả thi công. Có thể thấy, sức nóng từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang lan tỏa đến các Bộ, ngành, địa phương. Theo thống kê đến cuối tháng 7 này, hàng nghìn máy móc thiết bị, hàng chục nghìn nhân sự thi công và tư vấn giám sát đang được huy động trên các công trường, trong do có dự án giao thông huyết mạch - cao tốc Bắc Nam.

Dự kiến tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có 11 dự án thành phần. Đến nay có 6 đoạn đã hoàn thành. Phía Bắc có các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45. Khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ có các dự án Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

5 dự án thành phần còn lại đang trong quá trình thi công. Trong đó, các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An. Và cầu Mỹ Thuận 2 tại ĐBSCL sẽ phải hoàn thành vào cuối năm nay.

2 dự án thành phần cuối cùng của giai đoạn 1 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành vào năm sau.

Nếu xét về tiến độ, một số dự án đang bám sát nhưng cũng có những đoạn đang chậm so với kế hoạch, cần được tập trung giải quyết triệt để.

Chuyển sang giai đoạn 2, được triển khai từ năm 2021 - 2025, cao tốc Bắc - Nam có 12 dự án thành phần, đi qua địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. 12 dự án thành phần này đều đã được đồng loạt khởi công từ đầu năm nay.

Khi hoàn thành cả 2 giai đoạn sẽ tạo thành một trục cao tốc huyết mạch nối dài từ Bắc vào Nam, với tổng chiều dài khoảng 1.400km. Hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nỗ lực bám sát tiến độ các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

ĐBSCL đẩy nhanh bàn giao mặt bằng các dự án cao tốc

Tại một đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nằm giáp ranh giữa Cần Thơ và Hậu Giang, hàng chục công nhân đang tích cực triển khai đắp nền đường, xây dựng phần móng cọc dự án. Mặt bằng sạch toàn tuyến đã đạt hơn 98% đã góp phần cho dự án được triển khai thuận lợi.

Ông Dương Tấn Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: "Chúng ta phải làm sao chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải phù hợp, vừa tuyên truyền vận động người dân không để người dân mất đi quyền lợi, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Cho nên, việc xác định giá đất, chúng tôi phê duyệt giá đất sát với giá thị trường để người dân không bị thiệt thòi".

Hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bàn giao hơn 87% quỹ đất cho chủ đầu tư, tương ứng với 227 ha diện tích đất bị thu hồi. Địa phương đang dồn lực vận động người dân bàn giao mặt bằng dứt điểm cho đơn vị thi công. Dự kiến đến cuối tháng 8, tỉnh Hậu Giang sẽ bàn giao 100% quỹ đất sạch cho chủ đầu tư.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói: "Điều này cũng liên quan đến việc lập các thủ tục giải phóng mặt bằng các công trình di dời này có nhiều thủ tục nên có thời gian chậm nhưng chậm thì phải quyết tâm làm cho sớm".

Không chỉ tập trung để sớm có mặt bằng sạch cho các dự án, mà ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo về việc tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam. Các bộ, ngành và địa phương đã ngay lập tức thành lập các tổ công tác. Nhiều điểm mỏ từng là điểm nghẽn thì đến nay đã được tháo gỡ, giúp các gói thầu đang tăng tốc trở lại.

Khơi thông nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam

Với 116km thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn, chính vì thế, ngay từ khi có chủ trương thực hiện dự án, tỉnh Bình Định đã rốt ráo triển khai công tác cấp mỏ. Nhiều gói thầu đã không còn tình trạng dự án dừng chờ vật liệu.

Nỗ lực bám sát tiến độ các dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 2.

Ông Dương Quang Thanh, Chỉ huy dự án, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: "Đơn vị đã được tỉnh cấp cho 3 vị trí mỏ, với 3 mỏ này sẽ đủ cho cấp cho dự án".

Với 29 mỏ đất đã được xác định đủ điều kiện khai thác và đang hoàn thiện nốt thủ tục cho các nhà thầu. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết sẽ đảm bảo vật liệu với thời gian ngắn nhất.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, nói: "Sau khi nhận được văn bản 2 ngày, chúng tôi đi xác nhận hiện trường, khoanh vùng và đủ điều kiện thì chúng tôi xác nhận ngay".

Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khối lượng cát đắp nền đường đang cần rất lớn. Do đó, các tỉnh, thành trong vùng đang tích cực hoàn tất cả các thủ tục để bổ sung nguồn cát kịp thời như tỉnh An Giang tăng 50% công suất khai thác mỏ cát, cấp khoảng 1,1 triệu m3. Còn tỉnh Sóc Trăng đang lập thủ tục đưa 7 mỏ cát vào cung cấp cho dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Năm nay, số vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước đến nay là hơn 95.200 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, Bộ GTVT đã giải ngân đạt 37,4%, cao gấp đôi về số tiền giải ngân và cao hơn 7% về tỷ lệ so với cùng kỳ. Dù vậy, các giải pháp trong cả khâu thi công và giải ngân vẫn cần được thực hiện quyết liệt trong nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, cho biết: "Bộ GTVT cũng chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng các phương án kế hoạch thi công chi tiết, trong đó đặc biệt phần lớn là vốn tập trung vào các dự án cao tốc và với việc hoàn thành 4 dự án thành phần của giai đoạn 2017 - 2025 và triển khai các hạng mục mà không bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu như hiện nay của Bộ đề ra. Nếu các dự án bám sát kế hoạch, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu tương đối đề ra".

Với số vốn đầu tư công còn lại phải giải ngân trong năm nay, nếu tính bình quân, mỗi ngày Bộ GTVT sẽ phải rút từ kho bạc Nhà nước ít nhất 330 tỷ đồng để đưa vào các công trình dự án. Có thể thấy, tư duy "đầu năm thong thả, cuối năm tất tả" trong giải ngân đầu tư công đang dần được gỡ bỏ khi mà ngay từ đầu năm, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương đã giúp tiến độ nhiều công việc được cải thiện đáng kể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước