Điều đáng nói là cho đến nay, số nợ nói trên không những chưa thể xử lý dứt điểm mà còn phình to ra. Nhiều nhà thầu đang có nguy cơ trở thành con nợ, thậm chí phá sản do quá tin vào những lời hứa hẹn ban đầu và trong quá trình thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư.
Nợ đọng kéo dài xảy ra không chỉ với các công trình nhỏ, mà ngay cả với các công trình lớn, công trình trọng điểm sử dụng vốn từ ngân sách, cũng chậm thanh toán.
Mặc dù công trình thủy điện Nậm Mô tại tỉnh Nghệ An đã được nghiệm thu và đưa vào vận hành, khai thác từ đầu năm 2013 và đã hết hạn bảo hành hơn 2 năm. Tuy nhiên, sau 3 năm, nhà thầu là Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng vẫn không đòi được khoản nợ hơn 50 tỷ đồng từ chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An. Cực chẳng đã, hai bên đã phải đưa nhau ra tòa. Theo phán quyết tại cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, phần thắng đã thuộc về nhà thầu.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, câu chuyện nợ đọng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hiện không còn là câu chuyện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Ngay tại các công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư, đều có nợ đọng nhà thầu ở mức độ khác nhau. Bất chấp rất nhiều chỉ thị của Thủ tướng về việc xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, cục máu đông này chưa bao giờ thực sự được giải quyết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!