Sáng 25/5, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2018. Theo Tổng cục Thống kê, Quý I/2018, GDP đã tăng 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp. Điều này đã cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Theo Cục Trồng trọt, ước sản lượng lúa Đông Xuân 2017-2018 toàn vùng đạt trên 10 triệu tấn, tăng hơn 1,1 triệu tấn so với năm trước. Theo đánh giá, đây là vụ Đông Xuân có năng suất lúa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá gạo xuất khẩu năm nay tiếp tục ghi nhận những khởi sắc với mức tăng trung bình từ 700 - 1.000 đồng/kg, giúp nông dân có lợi nhuận khoảng trên 30%.
Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Sản lượng điều, ước tăng 30%; hồ tiêu gần 10%; xoài, cam, quýt cũng đều tăng khá so với cùng kỳ.
Đặc biệt, năm nay, nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu chưa từng thấy.
Với thủy sản, mặc dù phải tập trung cho việc tháo gỡ "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản đánh bắt, tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn tiếp tục giữ được sự ổn định cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Sản lượng thủy sản nuôi trồng Quý I/2018 ước tính đạt 610.000 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước,
Không chỉ tăng mạnh về sản xuất trong nước, việc xuất khẩu nhiều sản phẩm của ngành trồng trọt tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 12 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chiếm nhiều nhất, ước đạt 6,5 tỷ USD. Tiếp theo là lâm sản và thuỷ sản đều đạt trên dưới 2,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, câu chuyện nông sản được mùa mất giá, giải cứu củ cải, su hào… trong Quý I/2018 lại không hiếm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm của người nông dân, tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2018, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành phấn đấu đạt từ 3 - 3,25%, cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Bộ đã đề ra 7 giải pháp căn cơ, chi tiết, có tính khả thi cao, trong đó, giải pháp về thị trường nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu đã được xác định là giải pháp ưu tiên nhất của toàn ngành trong năm 2018.
Mục tiêu đề ra năm nay của Quốc hội là GDP sẽ đạt mức 6,7%. Hiện tại, hầu hết các tổ chức uy tín trên thế giới như Moody's hay Fitch Ratings đều cho rằng, mục tiêu 6,7% sẽ đạt được. Theo đánh giá từ các tổ chức này thì động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm kế tiếp vẫn đến từ tăng trưởng của khối các ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và chế biến, chế tạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!