Những nước đang phát triển ở châu Á có thể mất 50% dòng vốn FDI

Diệu Linh-Thứ tư, ngày 17/06/2020 16:39 GMT+7

VTV.vn - Các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên toàn cầu đã giảm trung bình 40%, trong đó nặng nề nhất là những nước đang phát triển ở châu Á.

Theo báo cáo mới nhất về đầu tư thế giới hàng năm của Liên Hợp Quốc, nguồn vốn FDI chảy vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được dự báo sẽ giảm từ 30% - 45% trong năm nay. Khu vực này vốn được xem là "nhà máy của thế giới" nên càng dễ bị tổn thương do gián đoạn sản xuất trong đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong báo cáo, Liên Hợp Quốc viết: "Dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tính chất dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng và do sức nặng của chuỗi giá trị toàn cầu và áp lực toàn cầu phải đa dạng hóa các địa điểm sản xuất.

Những nước đang phát triển ở châu Á có thể mất 50% dòng vốn FDI - Ảnh 1.

Năm 2019, khu vực châu Á hút đến 1/3 dòng vốn FDI của thế giới, đạt mức 474 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2020 khoản đầu tư vào các nhà máy hay Trung tâm Nghiên cứu trong quý I đã giảm 37% so với cùng kì năm 2019. Ngoài nguyên nhân dịch bệnh, các bất ổn xã hội tại Hong Kong, Trung Quốc hay rạn nứt thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là nguyên nhân hạn chế nguồn vốn FDI vào châu Á.

Khu vực Đông Nam Á được xem là động lực tăng trưởng FDI cho toàn khu vực cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về FDI trong khi mới 1 năm trước còn ghi nhận lượng vốn đầu tư kỉ lục. Dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện tử trong quý đầu tiên năm nay đều giảm đáng kể.

Những nước đang phát triển ở châu Á có thể mất 50% dòng vốn FDI - Ảnh 2.

Dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện tử trong quý I/2020 tại Đông Nam Á đã giảm đáng kể. Ảnh minh họa.

Ngoài nguyên nhân đóng cửa nền kinh tế và gián đoạn nguồn lao động, ngành sản xuất của Đông Nam Á rơi vào trạng thái thiếu nguồn cung trầm trọng. Các nhà máy ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cần nhập khẩu từ 40 - 60% các linh kiện điện tử của Trung Quốc.

Liên Hợp Quốc hy vọng đầu tư xuyên biên giới sẽ bắt đầu hồi phục vào năm 2022 nhưng đồng thời cũng cảnh báo các xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 như theo đuổi tự chủ chuỗi cung ứng hay thay đổi nền kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc sẽ để lại hậu quả sâu rộng đối với mô hình sản xuất quốc tế trong thập kỷ tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước