Sau 46 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, mảnh đất mang tên Bác Hồ kính yêu đã có sự thay đổi to lớn. Đầu tiên sẽ là những thay đổi trong đời sống người dân.
Hiệu quả giảm nghèo đa chiều, bền vững
Để kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trong cả nước áp dụng 1 mức chuẩn nghèo chung, không phân biệt thành thị và nông thôn/ngoại thành. Mô hình giảm nghèo đa chiều, bền vững đã cho thấy lựa chọn hợp lý và tầm nhìn xa cho vấn đề tưởng khó giải quyết này. Câu chuyện từ 1 trong 5 quận hoàn thành chỉ tiêu thoát nghèo theo chuẩn mới trước thời hạn 1 năm.
Ngoài 30 tuổi, chị Ôn Bích Châu mới bắt đầu đi học nghề thay vì chỉ ở nhà làm nội trợ như truyền thống. Động lực để tham gia lớp học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên quận 6 là học bổng trị giá 8 triệu đồng.
Vòng xoay Phú Lâm là điểm giao thương nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất khu Tây.
Chính vì vậy, từ quận đầu tiên của thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia trước thời hạn 3 năm, đầu năm 2020, khi TP Hồ Chí Minh nâng chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo, quận 6 có 902 hộ thuộc diện này. Nhưng đến cuối năm 2020, 14/14 phường của quận 6 đã không còn hộ nghèo, 2/14 phường còn hộ cận nghèo nhưng con số này cũng chỉ chiếm dưới 0,5% tổng số hộ dân của toàn quận.
Không chỉ có mức thu nhập tăng hơn 3 lần, các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, điều kiện sống, việc làm và bảo hiểm cũng được kéo giảm từ hơn 80% đến 100%. Quan trọng hơn cả là cách nghĩ về thoát nghèo, giảm nghèo đã có nhiều thay đổi từ chính những đối tượng được nhận trợ giúp cũng như những người chung tay với chính quyền giải bài toán thoát nghèo.
Tấm bằng xác nhận thoát nghèo của gia đình bà Trần Xuân Sơn được trao khi 3 con của bà đều có việc làm tại các doanh nghiệp trong địa bàn sau khi được học nghề. Vì vậy, không còn chuyện làm tạm lao động phổ thông rồi vài bữa nhảy việc
Quận 6 từng là 1 trong những rốn ngập của TP Hồ Chí Minh, dân cư chủ yếu là lao động, buôn bán, sản xuất nhỏ giờ đã trở thành địa phương có chất lượng sống được cải thiện đáng kể. Trong hành trình thay đổi ấy, với sự chung tay của cộng đồng, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Những đổi thay của hạ tầng giao thông
Trong những đổi thay trên thành phố mang tên Bác, không thể không kể đến những con đường mới, những công trình giao thông mang tầm cỡ khu vực. Những con đường không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện, mà còn được coi là những mạch máu trong sự phát triển kinh tế của thành phố sôi động bậc nhất cả nước.
Đây là đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh vừa được sửa chữa, nâng cấp và đưa vào sử dụng đúng vào ngày 30/4, sau gần 18 tháng thi công.
Cùng với dự án này, gần 20 dự án khác của TP Hồ Chí Minh cũng đang được triển khai thi công và sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính là cửa ngõ, vành đai và kết nối cảng biển, sân bay, hứa hẹn sẽ thay đổi cơ bản diện mạo về hạ tầng giao thông cho TP Hồ Chí Minh.
Không thể phủ nhận, 5 năm trở lại đây, nhờ xác định rõ các nhóm dự án cần ưu tiên, giao thông TP Hồ Chí Minh đã có những đổi thay ở các cửa ngõ. Rõ rệt nhất là tại cửa ngõ phía Tây Bắc, nơi nút giao 3 mức An Sương đã đi vào hoạt động hơn nửa năm qua. Tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, hàng loạt cây cầu xây mới như cầu Phước Lộc, An Phú Đông... đã giúp việc kết nối, thông thương giữa các quận huyện trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những đổi thay này vẫn chỉ là một phần khá khiêm tốn so với những gì hạ tầng ở thành phố phát triển nhất đất nước phải có, khi bài toán về nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng vẫn còn là một thách thức.
Sau những nỗ lực không ngừng, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang có những bước đi dần về phía cuối. Mở đầu là tháo dỡ rào chắn cho người dân lưu thông một phần vào đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Pasteur, tạo nên sinh khí mới cho các dự án giao thông trọng điểm của TP trong năm nay.
Còn về lâu dài, ngoài việc vượt qua trở ngại về hành lang pháp lý cho các dự án, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn thiện xây dựng chủ trương đầu tư trong năm nay, làm tiền đề triển khai các bước tiếp theo trong những năm kế tiếp.
Vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế
Trong suốt những năm thực hiện đổi mới, TP Hồ Chí Minh luôn giữ thế chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế khu vực, kinh tế cả nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã được khẳng định và giữ vững trong nhiều năm qua. Những con số biết nói sau đây sẽ là minh chứng rõ nét cho vai trò này.
Dù TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng nhờ năng suất lao động cao mà Thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 110 trường đại học, cao đẳng với hơn 700.000 sinh viên, gần 400.000 doanh nghiệp và hơn 10 triệu dân. Đây là không chỉ thị trường tiêu thụ rộng lớn của các địa phương trong vùng và cả nước mà còn là nguồn cung ứng nhân lực cho các địa phương phát triển.
Không những là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, TP Hồ Chí Minh còn là trung tâm nghiên cứu của cả nước. Đặc biệt, việc cho ra đời một khu công nghệ cao tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất lượng cao sớm nhất nước, không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo động lực lan tỏa đến các địa phương trong khu vực. Theo các chuyên gia, điều đó còn thể hiện sự phát triển của Thành phố mang ý nghĩa lớn: vì cả nước, cùng cả nước.
TP Hồ Chí Minh từng ngày đổi thay để hôm nay nên dáng hình tươi đẹp. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết một lòng từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Và hôm nay, thành phố mang tên Bác đang vận dụng nhiều cơ hội, quy tụ sức mạnh của mọi nguồn lực để bứt phá vươn lên từ việc xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, hình thành một thành phố có chất lượng sống tốt với đủ các tiêu chí văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!