Hầu hết các dự án giao thông ở TP Hồ Chí Minh đều đang chậm tiến độ, từ hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các nút giao, đến đường sắt đô thị và đường dân sinh. Chỉ tính riêng các cây cầu kết nối giữa các quận, huyện có mức đầu tư từ vài trăm đến hàng nghìn tỉ đồng, cũng đã có hàng chục dự án bị chậm tiến độ nhiều năm so với kế hoạch.
Với một đô thị có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như TP Hồ Chí Minh đây là điểm nghẽn rất lớn, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân.
Những cây cầu lỡ nhịp ở TP Hồ Chí Minh
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, cầu Thủ Thiêm 2 ở TP Hồ Chí Minh đã khởi công từ 2015 dự kiến hoàn thành vào 2018 nhưng cho đến nay mới đạt tiến độ hơn 70%. Cây cầu chỉ còn thiếu một nhịp nhưng đã lỡ hẹn nhiều năm.
Dưới chân cầu, hàng rào chắn bít bùng và công trường dở dang đã ngăn nhiều cửa hàng, doanh nghiệp buôn bán. Nhà đất mặt tiền ở đây cho thuê vài trăm triệu một tháng là bình thường. Tuy nhiên, với tình trạng này, nhiều nơi chăng biển mãi cũng không ai thuê. Lỡ một nhịp cầu là lỡ biết bao sinh kế của người dân, biết bao thu nhập, đóng góp của xã hội.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có hàng chục cây cầu khác cũng đã và đang bị chậm tiến độ. Có thể kể ra đây như cầu Bưng ở quận Tân Phú, cầu Bà Hom ở quận Bình Tân; cầu Vàm Sát ở Cần giờ, cầu Long Kiển ở Nhà Bè; cầu Phước Long ở quận 7, cầu Nam Hỷ, Tăng long, Long Đại, Thủ thiêm 2 ở TP Thủ Đức.
Dự án cầu Bưng khởi công vào tháng 7/2017, đến nay đã gần 4 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: VOV.
Chỉ tính riêng như TP Thủ Đức - thành phố mới thành lập với kỳ vọng đóng góp 1/3 GDP của TP Hồ Chí Minh và 7% GDP cả nước nhưng với 4 cây cầu lớn chậm tiến độ nhiều năm và nhiều dự án hạ tầng còn dở dang, mục tiêu này chắc chắn gặp không ít trở ngại. Những nhịp cầu lỡ có thể "trói chân" khát vọng của cả một thành phố.
Ở Nhà Bè, dự án cầu Long Kiển đã chậm tiến độ 20 năm. Từng ấy năm, người dân phải đi lại qua cây cầu tạm đã xuống cấp, nhỏ hẹp, rất nguy hiểm. Trong khi đây lại là con đường huyết mạch nối Nhà bè với trung tâm thành phố.
Những dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ đã mang đến sức ép rất lớn cho nền kinh tế và làm trầm trọng hơn vấn đề ùn tắc giao thông. Chưa nói ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, chỉ tính riêng về khía cạnh kinh tế, việc chậm tiến độ này đã gây ra những thiệt hại rất lớn.
Cụ thể, theo UBND TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi giờ tắc đường, thành phố phải chịu thiệt hại tới khoảng 2,4 tỉ đồng. Về tổng thể, các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỉ USD/năm do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới.
Sẽ ưu tiên các dự án trọng điểm
Hầu hết các dự án giao thông ở TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ đều vướng phải 2 nguyên nhân chính đó là vốn và giải phóng mặt bằng. Tỉ lệ ngân sách TP Hồ Chí Minh được giữ lại chỉ có 18%.
Theo Hội Cầu đường cảng TP Hồ Chí Minh, giai đoạn này thành phố cần khoảng 200.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông đang triển khai, trong khi đó ngân sách thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 con số này.
Nếu chỉ giải phóng mặt bằng một phần và việc thiếu vốn diễn ra trong thời gian dài giá cả sẽ thay đổi, lại phải điều chỉnh dự án. Tất cả trở thành một vòng luẩn quẩn gây chậm tiến độ. Ngành giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ phải áp dụng các giải pháp tình thế để giải bài toán này.
Hàng xe dài hàng chục km tắc nghẽn trên đường từ quận 7 qua TP Thủ Đức.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 20/4, hàng xe dài hàng chục km tắc nghẽn trên đường từ quận 7 qua TP Thủ Đức - đây là cảnh diễn ra thường xuyên. Tuyến đường này quy hoạch 12.000 lượt xe 1 ngày nhưng con số thực tế đã gấp đôi.
Trong khi hàng loạt công trình hạ tầng như đường vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú vẫn chưa xong đã khiến khu vực này thành những đoạn đường đau khổ, những vòng xoay tử thần.
Theo Hội Cầu Đường Cảng TP Hồ Chí Minh, bài học từ dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, vốn đi qua dự án của VinGroup - doanh nghiệp từng đề nghị hỗ trợ vốn gần 600 tỉ để nâng đường chống ngập nhưng vướng cơ chế tư nhân tham gia nên nay phải dùng vốn ngân sách trung hạn. Hiện dự án vẫn chưa thi công xong.
Các chuyên gia đề nghị, với phía Nam, cần có cơ chế đặc thù để kêu gọi nguồn lực từ tư nhân.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp trước mắt là sẽ ưu tiên các dự án trọng điểm. Làm theo kiểu cuốn chiếu, kể cả phải tạm dừng các dự án khác đang dang dở.
Khổ như… chờ đường
Các dư án giao thông chậm tiến độ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Ảnh minh họa - PLO.
Tạm dừng các dự án vướng mắc, tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên. Đồng nghĩa với việc người dân ở một số dự án bị ngưng lại sẽ phải tiếp tục chờ đợi, sống chung với công trường ngổn ngang.
Đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, được thi công mở rộng từ cuối 2018, nhưng đến nay tiến độ mới hơn 30%, chi chít ổ gà, ổ voi, quanh năm ngập trong bùn.
Chị Nguyễn Thị Nhung, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho hay: "Hôm trước có ba mẹ con chở nhau bị ngã, xe cán chết cả 3 nên đi qua đây sợ lắm, tay chân run cầm cập".
"Nắng lên bụi mù mịt, mưa thì ngập. Mọi người đi qua đây ngã suốt ngày", bà Lê Thị Vân, huyện Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh nói.
Đường Đặng Thúc Vịnh chỗ thì ngập sâu, chỗ lại bụi mù trời, ngổn ngang vật liệu trang thiết bị. Do là đường nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương, Long An nên lưu lượng xe cộ qua đây rất nhiều. Mặt đường đã lồi lõm tan nát, ngày qua ngày lại càng thê thảm hơn.
Các dự án giao thông chậm tiến độ, không chỉ trói chân sự phát triển của thành phố, mà còn mắc nợ người dân vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!